TS: Sau khi Báo Đà Nẵng đăng tải loạt bài “Bất cập thu gom rác thải sinh hoạt”(từ ngày 17 đến 20-9), bà Lê Thị Thanh Minh, Phó ban Tổ chức kiêm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hải Châu, Ủy viên Ban Đô thị HĐND thành phố đã gửi bài viết phân tích về bất cập, khó khăn hiện nay đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố, vấn đề tiền lương của công nhân vệ sinh môi trường và các giải pháp khắc phục... Báo Đà Nẵng xin trích đăng bài viết này.
Trong những năm qua, hoạt động thu gom, xử lý rác thải luôn được thành phố quan tâm, cải tiến bằng nhiều giải pháp tích cực, mang đến cho thành phố Đà Nẵng cảnh quan môi trường sạch - đẹp, được du khách đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoạt động thu gom, xử lý rác thải ở đô thị vẫn vướng phải nhiều khó khăn, bất cập.
Thứ nhất, thành phố đã xóa dần các điểm trung chuyển rác, nhưng phát sinh các điểm tập kết rác tạm thời trong quá trình chờ xe đến nâng thùng và vận chuyển rác đi. Do phát sinh tạm thời nên các điểm tập kết rác này không có trang thiết bị đầy đủ, không bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường… nên ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Một số điểm trung chuyển rác tại quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn do bố trí không hợp lý nên không phát huy hiệu quả.
Thứ hai, việc thực hiện thu gom rác theo giờ và giảm đặt thùng rác trên các tuyến đường trong thời gian qua, tuy có nhiều mặt tích cực về mặt mỹ quan, văn minh đô thị, nhưng quá trình thu gom không bảo đảm theo giờ quy định giữa người dân và công nhân thu gom rác, đặc biệt, không phải nhà nào đến giờ công nhân thu gom rác đến cũng có người ở nhà để đổ rác. Vì thế, người dân mang rác ra để trước nhà, đầu hẻm, kiệt, dưới gốc cây dẫn đến ứ đọng rác trong khu dân cư và làm nhếch nhác môi trường, cảnh quan đô thị.
Thứ ba, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc thu gom rác thải còn hạn chế. Có đến 90% là xe cũ chuyển từ mô hình công ty cũ sang, một số xe trong đó đang chờ thanh lý, xe thu gom rác trong các khu dân cư được trang bị còn ít. Hơn nữa, một số công nhân thu gom rác không gọn gàng, còn để rác chảy nước ra đường khi di chuyển gây ô nhiễm môi trường...
Thứ tư, đơn giá chi trả cho hoạt động xử lý rác thải chỉ có 42.000 đồng/tấn là quá thấp (chỉ bằng 70% giá thẩm định), không bảo đảm chi phí cho nhân công và các điều kiện, các hạng mục trong công tác quản lý môi trường.
Từ những khó khăn bất cập nói trên, thời gian tới, thành phố nên quan tâm đầu tư trang thiết bị về môi trường; nhất là đầu tư cải tiến công nghệ thu gom, xử lý rác hiện đại, phù hợp theo tiêu chuẩn đô thị văn minh và tiêu chí “Thành phố môi trường” mà Đà Nẵng đang hướng đến. Cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch trạm trung chuyển rác thải hợp lý theo từng vị trí địa bàn, đồng thời áp dụng công nghệ xử lý tại các trạm trung chuyển trước khi đưa về bãi rác để bảo đảm môi trường trong quá trình vận chuyển. Thành phố cần tăng cường xã hội hóa hoạt động thu gom rác thải nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động này. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xem xét lại đơn giá trả cho việc xử lý rác thải hiện nay để phù hợp với thực tế, bảo đảm chi phí cho các điều kiện, hạng mục trong công tác quản lý môi trường…
Đối với vấn đề tiền lương của công nhân, theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đơn giá một ngày công là 245.525 đồng/công, áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm là 0,55. Tuy nhiên, đơn giá nhân công vệ sinh bậc 4/7 áp dụng tại Quyết định số 32/2017/QĐ-UBND và Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng chỉ là 165.500 đồng/công (không áp dụng hệ số tăng thêm). Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định 6672/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố (quy định về đơn giá thu gom vận chuyển, xử lý rác thải đô thị trên địa bàn), tiền lương công nhân bậc 4/7 là 210.025 đồng/công, có áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm là 0,55.
Qua tìm hiểu được biết, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đang áp dụng cả 3 mức lương nhân công nói trên để chi trả tiền lương cho công nhân thu gom, xử lý rác thải tại đô thị, bãi rác Khánh Sơn và trong các khu dân cư. Như vậy, cùng là công nhân vệ sinh thực hiện 3 hạng mục công việc, cùng nhiệm vụ chung là dọn vệ sinh, thu gom rác thải trên địa bàn thành phố, nhưng áp dụng giá nhân công khác nhau, không đồng nhất.
Đời sống của công nhân làm vệ sinh môi trường phần lớn là khó khăn, môi trường làm việc ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Để phù hợp với thực tế và bảo đảm đời sống cho người lao động, đề nghị thành phố nghiên cứu xem xét điều chỉnh đơn giá nhân công tại Quyết định số 32/2017/QĐ-UBND và Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND bằng mức với đơn giá nhân công tại Quyết định số 6672/2017/QĐ-UBND là 210.025 đồng/công để tạo sự thống nhất, công bằng cho người lao động.
LÊ THỊ THANH MINH