“Đừng sợ thất bại, bởi không ai tránh được nó cả đời. Thay vì sợ, hãy xem mỗi thất bại là một bài học dạy cho ta lớn khôn hơn…”. Đó là tư duy của quốc gia khởi nghiệp Israel và cũng là điều các nhà khởi nghiệp ở vùng đất Do Thái này muốn gửi gắm đến cộng đồng khởi nghiệp trẻ Đà Nẵng.
Ngoài sự tò mò, thực tế, sáng tạo, các nhà khởi nghiệp trẻ còn phải tự tin, không e sợ thất bại. Trong ảnh: Một doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng 2018. |
Trước khi trở thành thành viên của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC), anh Lê Quốc Nhật (SN 1992) từng có 1 năm tu nghiệp ngành nông - lâm nghiệp tại Israel. Những ngày tháng học tập và làm việc ở nơi được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp”, anh ấn tượng với câu chuyện về ngày hội Openday - Hội chợ nông nghiệp mùa xuân lớn nhất đất nước này.
Năm nào cũng vậy, các chủ nông trại, các nhà nghiên cứu Israel luôn dành ra 2 ngày đầu xuân đến Openday để tìm kiếm những thiết bị, sản phẩm mới giúp tối ưu quá trình sản xuất nông sản.
“Có nhiều thứ rất hay ở hội chợ. Bạn có thể tìm thấy nhà cung cấp ong để thụ phấn cho cây ăn quả, những chiếc máy kéo đời mới nhất, hay thậm chí những thứ nghe “kỳ cục” như máy điều hòa rễ cây, những mảng lục giác dùng để che chắn nước mà thoạt nhìn chẳng hiểu tại sao giá bán của nó lên đến 27.000 Euro/dunam (đơn vị đo diện tích của Israel, tương ứng 1.000m2)”, anh Nhật nói.
Anh chia sẻ, đi dự hội chợ, anh chợt nhận ra điều quý nhất mà mình học được trong thời gian ở Israel. Đó không phải là kỹ thuật nông nghiệp, bởi khối lượng kiến thức khổng lồ ấy không thể được hấp thụ hết trong một thời gian ngắn; cũng không phải công nghệ, bởi dù sao mỗi ngày trôi qua, các công nghệ lại dần lạc hậu. Thứ quý nhất mà anh học được là tư duy.
Anh Nhật nói: “Người Do Thái cũng như các dân tộc khác, nhưng với cách suy nghĩ và tiếp cận vấn đề cởi mở, họ luôn chào đón những ý tưởng điên rồ và kỳ cục, để rồi hoàn thiện nó thành những giải pháp sáng tạo. Openday là ngày hội để họ tìm kiếm và gặp gỡ những ý tưởng như thế, không chỉ của Israel mà còn từ các công ty khắp nơi trên thế giới đổ về”.
Sự “điên rồ” và “kỳ cục” của người Israel còn thể hiện qua việc Chính phủ nước này sẵn sàng rót vốn đầu tư cho các nhà khởi nghiệp, dù biết họ sẽ… thất bại. Trong một buổi nói chuyện với cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng vào cuối tháng 6 qua, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết:
“Hầu hết các công ty khởi nghiệp không duy trì được lâu và rất nhiều trong số đó thất bại từ những giai đoạn đầu. Chính quyền Israel đầu tư rất nhiều vốn vào các công ty này, giúp họ tồn tại lâu hơn để thử sức hiện thực hóa ý tưởng của họ. Đây là một sự mạo hiểm cho chính quyền khi họ sử dụng tiền thuế cho mục đích đầu tư.
Tuy nhiên, những công ty thành công sẽ hoàn trả lại khoản đầu tư và duy trì tính liên tục cho chương trình. Một trong các bài học mà các chuyên gia về startup giàu kinh nghiệm của Israel muốn truyền tải đến các nhà khởi nghiệp địa phương là đừng sợ hãi trước thất bại mà phải học hỏi từ đó.
Hầu hết những câu chuyện khởi nghiệp thành công là câu chuyện của người đã cố gắng và thất bại rất nhiều lần”.
Vị đại sứ quốc gia khởi nghiệp đưa ra 2 lời khuyên cho những người trẻ Đà Nẵng. Trước hết là phải theo đuổi các chương trình học về khoa học, công nghệ.
Thứ hai, là phải biết vượt qua sự rụt rè. “Ở xứ tôi, các bạn bị thất bại cũng rất hào hứng hãnh diện bước ra trước đám đông và khoe như là một thành tích. Còn ở đây, các bạn lên chia sẻ câu chuyện thành công của mình mà cũng còn rụt rè và có phần nhút nhát”, Đại sứ Nadav Eshcar nói.
Bài và ảnh: PHONG LAN