Đa dạng hóa thị trường khách quốc tế

.

Đà Nẵng đề ra mục tiêu đón 8,1 triệu lượt khách trong năm 2019. Để có được lượng khách này, ngành du lịch thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế, mở rộng các đường bay quốc tế... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách khi đến Đà Nẵng.

Cần sớm nghiên cứu các sản phẩm du lịch vừa gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử phù hợp với từng thị trường khách. TRONG ẢNH: Khách quốc tế tham quan Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.
Cần sớm nghiên cứu các sản phẩm du lịch vừa gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử phù hợp với từng thị trường khách. TRONG ẢNH: Khách quốc tế tham quan Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.

Năm 2018, thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng tăng trưởng khoảng 23,3% so với cùng kỳ năm 2017 với khoảng 2,875 triệu lượt khách, chiếm 37,53% trong tổng số lượt khách du lịch đến Đà Nẵng. Các thị trường khách quốc tế trọng điểm hiện nay của Đà Nẵng chủ yếu là Hàn Quốc và Trung Quốc rồi mới đến các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan, Malaysia...

Trong đó, thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc liên tục chiếm tỷ trọng trên 50% trong 5 năm qua. Đặc biệt, từ năm 2013, thị trường khách Hàn Quốc có sự tăng trưởng đột phá với lượng khách tăng gấp đôi theo từng năm và tăng gấp 30 lần (từ 55.000 lượt năm 2013 lên hơn 1,6 triệu lượt năm 2018), vượt qua thị trường khách Trung Quốc để trở thành thị trường khách dẫn đầu về lượt khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, việc phụ thuộc vào hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc có thể dẫn đến những rủi ro nhất định, vì Trung Quốc là thị trường khách có sự ổn định không cao do các biến động chính trị. Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác khách Trung Quốc cũng chưa cao do chưa kiểm soát tốt các tour giá rẻ và việc thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt của khách có thể gây thất thu thuế. Còn khách Hàn Quốc lại có xu hướng du lịch theo phong trào nên có thể sẽ có sự thoái trào của dòng khách này vào thời điểm nào đó.

Bà Hồng Hạnh cũng chỉ ra, trong các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng hiện nay, thị trường khách Nhật Bản có sự tăng trưởng tốt. Năm 2014, lượng khách Nhật Bản đến Đà Nẵng khoảng 52.671 lượt, đến năm 2018 khoảng 132.000 lượt, tăng 2,5 lần. Các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore thường xuyên có mặt trong top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong năm qua, lượng khách Malaysia và Thái Lan có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2018, khách Thái Lan đến Đà Nẵng khoảng 56.174 lượt, chiếm 2,1% tổng lượt khách quốc tế, tăng 2,4 lần so với 2017 (23.282 lượt); khách Malaysia khoảng 50.937 lượt, chiếm tỷ trọng 1,9%, tăng 1,69 lần so với năm 2017 (29.974).

Các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia dù thuận lợi khai thác về nhiều mặt, nhưng Đà Nẵng chưa thu hút hiệu quả, hiện cũng được xác định là thị trường trọng điểm cho kế hoạch quảng bá hằng năm. Các thị trường Tây Âu, Mỹ, Úc đến Đà Nẵng cũng có, nhưng chiếm tỷ trọng rất thấp trong các thị trường khách hiện nay. Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, với các thị trường khách Tây Âu, Mỹ, Úc, Ấn Độ hay khách Hồi giáo từ các quốc gia Trung Đông và Malaysia, Indonesia thuộc Đông Nam Á đều là những thị trường rất tiềm năng.

Tuy nhiên, với dòng khách Tây Âu, Mỹ, Úc..., Đà Nẵng đang thiếu những sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cho khách nên đa số khách chọn điểm đến Hội An. Còn với các thị trường khách Hồi giáo, hạn chế lớn nhất chính là thiếu các đường bay trực tiếp; năng lực phục vụ dòng khách này tại Đà Nẵng hầu như chưa có vì không có thánh đường, nơi cầu nguyện và các nhà hàng với chứng nhận Halah...

Vì vậy, để nhắm đến thị trường khách Hồi giáo tiềm năng, Đà Nẵng cần phải định hướng và đặt mục tiêu cụ thể đối với thị trường này để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm cho khách đạo Hồi; đồng thời có chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ chuyên biệt.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours cho rằng, về nguyên nhân khiến chưa đẩy mạnh khai thác các thị trường khách tiềm năng là do Đà Nẵng vẫn chưa có các đường bay trực tiếp đến những thị trường như Tây Âu, Mỹ, Úc, Ấn Độ. Đà Nẵng vẫn thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là sản phẩm du lịch văn hóa phù hợp thị hiếu khách Âu, Mỹ, Úc; khả năng cung ứng và dịch vụ cho các phân khúc cao cấp và thị trường Ấn Độ còn chưa đáp ứng... Công tác xúc tiến các thị trường vẫn gặp khó khăn do chi phí lớn, chưa kết nối thường xuyên với các hãng lữ hành quốc tế lớn để tìm hiểu sâu về các phân khúc thị trường để quảng bá một cách hiệu quả, có trọng điểm...

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, thành phố cần xúc tiến các đường bay quốc tế trực tiếp mới, tận dụng các đường bay mới như Doha - Đà Nẵng để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá ở các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông; tăng cường liên kết 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam để khai thác và quảng bá sản phẩm du lịch; kết hợp nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với các thị trường khách tiềm năng mà ngành đang nhắm đến.

Trong kế hoạch đa dạng hóa các thị trường khách du lịch quốc tế giai đoạn 2019-2021, phía Sở Du lịch thành phố cho hay, sẽ phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao, Hội Lữ hành và các đơn vị lữ hành để nghiên cứu các sản phẩm du lịch vừa gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử, vừa phù hợp với các thị trường khách quốc tế.

Bên cạnh đó, ngành du lịch tiếp tục công tác nghiên cứu thị trường, áp dụng công nghệ thông tin cho việc thu thập thông tin thị trường lâu dài; mở rộng ứng dụng hỗ trợ du khách với khả năng tương tác theo định vị tốt hơn, kết hợp hệ thống theo dõi hành trình và đánh giá dịch vụ để thu về cơ sở dữ liệu đánh giá điểm đến; tiếp tục phát triển website du lịch, cải tiến, hoàn thiện trang tiếng Anh để sử dụng cho các thị trường quốc tế, mở rộng trang thông tin cơ bản cho các ngôn ngữ của các thị trường trọng điểm; tăng cường xúc tiến tại chỗ; tổ chức các đợt quảng bá về du lịch M.I.C.E Đà Nẵng tại các thị trường quốc tế trọng điểm...

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.