Vài năm trở lại đây, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đã gặt hái được những thành quả nhất định với hàng chục dự án chính thức đi vào hoạt động. Điều này đem lại hiệu quả kinh doanh cho starup cũng như các sản phẩm mới cho thị trường... Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư, chất lượng các dự án khởi nghiệp ở Đà Nẵng đang có chiều hướng chững lại, cần có sự quan tâm kịp thời để phong trào khởi nghiệp tiếp tục phát triển xứng tầm.
Một dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). |
Cách đây khoảng 5 năm, phong trào khởi nghiệp ở Đà Nẵng chỉ là con số 0 tròn trĩnh, nhưng đến nay, cả thành phố đã có 6 vườn ươm doanh nghiệp, với hàng chục dự án được ươm tạo đã có khoảng 30 dự án thành công, sản phẩm đến được với thị trường. Thậm chí, có dự án chỉ sau vài tháng triển khai đã đạt trị giá thương mại lên tới 1 triệu USD. Nhờ lợi thế đi sau so với hai đầu đất nước cũng như học tập kinh nghiệm từ các quốc gia có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, Đà Nẵng có nhiều cơ hội để áp dụng những mô hình quản trị khởi nghiệp sáng tạo có tính bền vững cao.
Là người gắn bó với phong trào khởi nghiệp tại Đà Nẵng từ những ngày đầu mới khởi động, ông Lý Đình Quân, Giám đốc Công ty CP Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn phấn khởi cho rằng, qua 5 năm, Đà Nẵng đã cơ bản hình thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp với đầy đủ các thành tố cần thiết, làm nền tảng cho mục tiêu hướng đến một trung tâm khởi nghiệp của khu vực.
Tuy nhiên, ông Quân cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động khởi nghiệp cũng như công tác hỗ trợ đi kèm cho khởi nghiệp còn quá nhiều rào cản và nặng về thủ tục hành chính. Càng về sau này, số lượng dự án thành công càng giảm sút rõ rệt.
Đánh giá về hoạt động khởi nghiệp ở Đà Nẵng, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhìn nhận, so với mặt bằng chung của cả nước thì Đà Nẵng là địa phương đã có nền tảng khá vững cho hoạt động khởi nghiệp với sự quan tâm từ chính quyền thành phố; sự tham gia của các nhà đầu tư, quỹ mạo hiểm, các công ty công nghệ lớn; có nhiều chương trình ươm tạo, nhiều cá nhân và tổ chức khởi nghiệp. Đà Nẵng cũng là nơi có nhiều trung tâm nghiên cứu, các trường đại học có quy mô cấp vùng.
Mặc dù vậy, theo ông Quất, vẫn còn nhiều hạn chế như: số lượng doanh nhân khởi nghiệp còn thấp, chất lượng các dự án chưa cao; chương trình giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học chưa được quan tâm. Lãnh đạo nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu chưa có động lực và đam mê đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Trong khi đó, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp quy mô còn nhỏ lại phân tán; số lượng doanh nghiệp công nghệ lớn, bộ phận không thể thiếu để hỗ trợ, tạo môi trường cho các starup hoạt động đổi mới sáng tạo còn ít. Thực tế, sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền thành phố cho phong trào khởi nghiệp còn hạn chế.
“Khởi nghiệp là đầu tư vào con người, không phải đầu tư vào nhà xưởng. Để phong trào khởi nghiệp phát triển hơn nữa, Đà Nẵng cần đẩy mạnh đào tạo, khuyến khích phong trào khởi nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng. Đây là giải pháp căn cơ để thay đổi tư duy khởi nghiệp cho cả một thế hệ, tạo nên những con người có đam mê, ý chí khởi nghiệp ngay từ trẻ và cần có cơ chế thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài quốc gia đến khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, “căn bệnh” chung của phong trào khởi nghiệp ở nước ta, trong đó có Đà Nẵng, là thiếu sự kết nối giữa chính quyền - nhà đầu tư, nhà trường - người khởi nghiệp. Theo đó, những dự án khởi nghiệp thành công, có giá trị thương mại lớn thường xuất phát từ môi trường xã hội chứ không phải từ các vườn ươm doanh nghiệp. Mặc dù đã có 5 năm đầy nỗ lực, nhưng Đà Nẵng vẫn còn khoảng cách không nhỏ so với các thành phố lớn về tầm vóc và sự trưởng thành của khởi nghiệp. Việc quan tâm, hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào ý chí của cá nhân.
Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết, thời gian tới, để góp phần thúc đẩy cho phong trào khởi nghiệp của thành phố nên phát huy tốt vai trò của Trung tâm ươm tạo ở Khu Công nghệ cao tạo sự kết nối tốt với các starup. Đồng thời, khi thành phố hoàn thiện và trình Trung ương thông qua cơ chế đặc thù để triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, cần có phần dành cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Để tiếp tục nâng cao vị thế của Đà Nẵng trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, trở thành một trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp cùng với hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cũng đồng tình quan điểm, chính quyền thành phố và Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cần tiếp tục tạo điều kiện nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của địa phương.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH