Thực hiện mục tiêu bảo đảm cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, miền núi, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố đã triển khai thực hiện ứng dụng kết quả đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ khai thác nước ở các sông suối nhỏ phục vụ cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho các loại cây ăn quả vùng sườn đồi huyện Hòa Vang, Đà Nẵng”.
Nghiên cứu này do Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung-Tây Nguyên chủ trì thực hiện nhằm xây dựng mô hình cấp nước sinh hoạt và nước tưới bằng trạm bơm va cho khoảng 100 hộ dân và 10ha cây ăn quả thuộc vùng núi Hòa Bắc.
Sở Khoa học và Công nghệ cùng đơn vị nghiên cứu khảo sát thực tế mô hình cấp nước bằng trạm bơm va tại xã Hòa Bắc. |
Đối với Đà Nẵng, việc khai thác nước trên các sông, suối, hồ chứa, đập dâng như các trạm bơm Túy Loan, Bích Bắc, An Trạch… để cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu trong nông nghiệp đã giúp ích rất nhiều cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay các giải pháp khai thác nước chỉ đơn thuần sử dụng các loại máy bơm, trạm bơm thông dụng để khai thác nước những vùng đồng bằng, còn như ở những khu vực núi cao, dân cư phân tán thì nếu dùng những cách này sẽ tốn kém và ít hiệu quả.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung- Tây Nguyên cho biết: “Để thực hiện việc cấp nước cho xã Hòa Bắc nói riêng cũng như những vùng núi tương tự nếu bằng công nghệ truyền thống sẽ rất khó, bởi không thể xây dựng những hồ, đập dâng khi mà có sự chênh lệch độ cao rất lớn giữa nguồn nước với nơi cần cung cấp nước. Với công nghệ này, chỉ cần tạo một cột nước 3m, đã có thể bơm đẩy nước lên cao 20m so với mặt nước đập dâng”.
Công trình xây dựng trạm bơm va cung cấp nước này gồm các hạng mục chính là đập dâng nước trên suối, trạm bơm va, bể lắng - lọc - trữ, đường ống dẫn nước về khu dân cư. Sau khi triển khai thí điểm tại suối Hội Yên (thuộc thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc), thì công suất đạt được khoảng gần 80m3 nước/ngày đêm.
Bơm va là công nghệ có nhiều ưu điểm như: sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng điện, xăng dầu nên không tốn kém chi phí vận hành; lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng đơn giản, dễ quản lý, giá thành rẻ, độ bền cao, có tính khả thi và nhân rộng ở những vị trí tương tự như xã Hòa Bắc.
Để có thể ứng dụng nhân rộng cho các địa phương khác, các nhà nghiên cứu cùng với nhà quản lý cần lập nên dự án đầu tư, trong đó nêu rõ vị trí cụ thể cấp nước, sau đó tính toán cân bằng nước đối với vị trí dự kiến xây dựng nhằm đánh giá trữ lượng nguồn nước; đồng thời khảo sát địa hình, địa chất và thiết kế cụ thể các công trình.
Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN thông tin, hiện nay nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề hết sức quan trọng, việc cấp nước cho các vùng núi còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, Sở KH&CN triển khai cho Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung-Tây Nguyên chủ trì thực hiện nghiên cứu này. Kết quả đề tài có ý nghĩa rất thiết thực trong việc đưa nước đến phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Với vai trò của nhà quản lý, Sở KH&CN khảo sát thực tế xem việc triển khai như thế nào và hỗ trợ cho các cơ quan nghiên cứu cũng như các nhà khoa học và người dân.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã và đang tập trung triển khai mạnh mẽ đưa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn kết với yêu cầu của thực tiễn, phục vụ những nhu cầu thiết thực cho đời sống người dân. Sau việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cấp nước bằng trạm bơm va, các nhà khoa học định hướng sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu bổ sung nước dưới đất vào mùa mưa và khai thác vào mùa khô để cấp cho những vùng khan hiếm nước, nơi mà nguồn thủy lực cũng như các sông suối không thể tới được.
Ngoài ra, sẽ nghiên cứu thêm các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước bằng các công nghệ tưới hiện đại, tưới thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Những công nghệ này của Đà Nẵng nếu được triển khai nhân rộng, hơn ai hết, “nguồn vui” sẽ đến với những người dân ở vùng núi xa xôi, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
Bài và ảnh: THANH THẢO