Đưa hàng thủ công cao cấp ra thị trường

.

Các sản phẩm thủ công cao cấp như túi xách, tranh, đồ trang trí... không đơn thuần là hàng tiêu dùng mà còn có thể được xem như những tác phẩm nghệ thuật nên khá kén khách. Mặt hàng này tiếp cận khách hàng nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”, nhưng nếu muốn vươn đến thị trường quốc tế thì buộc phải có sự trợ giúp của thương mại điện tử.

Anh Lê Thanh Hà (ngoài cùng bên phải) trình bày các bước làm một tác phẩm từ giấy dừa cho khách tham quan.
Anh Lê Thanh Hà (ngoài cùng bên phải) trình bày các bước làm một tác phẩm từ giấy dừa cho khách tham quan.

Nằm trên đường Nguyễn Đăng Tuyến (quận Sơn Trà), xưởng tranh Giấy dừa Đà Nẵng của anh Lê Thanh Hà thu hút khá nhiều người đến tham quan. Đây là nơi anh Hà lên ý tưởng, thiết kế và tạo ra những bức tranh làm bằng giấy dừa - loại giấy từ xơ lá của những lá dừa cạn mọc ven biển Đà Nẵng. Mọi công đoạn từ làm giấy, tạo hình, in hình bằng áp lực nước... đều do chính đôi tay của anh Hà làm nên.

Với óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, từ những cành lá dừa, anh tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ tranh, bình phong, rèm che đến đồ trang trí, biển hiệu... Có lúc khách chỉ đặt dựng tranh từ một tấm ảnh chân dung, nhưng cũng có lúc khách chỉ nêu ý tưởng rồi giao phó toàn bộ việc thiết kế, tạo hình cho anh Hà.

Người nghệ sĩ 41 tuổi này cho hay, bạn bè của anh chính là những vị khách đầu tiên của xưởng Giấy dừa Đà Nẵng. Khi thấy tác phẩm của xưởng luôn đáp ứng các yêu cầu cao về chất lượng, các vị khách lại truyền tai nhau, dần dà anh mở rộng thị trường ra khắp cả nước. Bên cạnh trưng bày tác phẩm ở xưởng, mùa hè năm nay, anh Hà còn phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng để mở lớp hướng dẫn làm tranh giấy dừa cho người dân và khách du lịch tại thành phố.

Anh Hà bộc bạch: “Hiện mình vẫn đang tập trung vào làm sản phẩm chứ chưa quảng cáo nhiều. Đối với mình, nếu sản phẩm “hữu xạ” thì sẽ “tự nhiên hương”. Vì mình làm thủ công hoàn toàn nên số lượng sản phẩm cũng hạn chế, chỉ khoảng 80-100 sản phẩm mỗi tháng. Con số này đáp ứng vừa đủ cho lượng khách hàng hiện tại của xưởng”.

Còn chị Vũ Thị Minh Châu - một nghệ nhân trẻ trong lĩnh vực sản xuất đồ da (túi xách, ví, dây đồng hồ, vòng tay...) làm theo đơn đặt hàng riêng. Sở hữu thương hiệu LuKat de Tourane, mỗi tháng chị Châu nhận khoảng 30-35 đơn hàng với khách hàng phần lớn đến từ châu Âu, Mỹ…

Vừa là chủ lại vừa là nhân viên duy nhất của xưởng, do đó, để tiếp cận khách nước ngoài, chị Châu tạo một “phòng trưng bày online” trên mạng xã hội Instagram để giới thiệu sản phẩm. Tất cả hình ảnh đăng lên đều đi kèm với các hashtag (công cụ đánh dấu của Instagram, cho phép người dùng tìm kiếm theo từ khóa - P.V).

Chị Châu chia sẻ: “Đây là “vũ khí” của mình trong việc đưa sản phẩm đến với khách hàng tiềm năng. Mình phải sử dụng những từ khóa liên quan đến sản phẩm, ngắn gọn, thông dụng. Nếu hướng đến khách hàng ở một thị trường cụ thể nào đấy, mình phải nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của thị trường đó để có hashtag phù hợp. Ví dụ như ở Trung Đông, nhiều người chuộng đồng hồ Rolex. Như vậy nếu muốn bán dây đồng hồ cho khách ở khu vực này, mình sẽ để 2 hashtag là Middle-East (Trung Đông) và Rolex.

Theo chị Châu, điều quan trọng nhất để tiếp thị các sản phẩm handmade cao cấp là phải làm sản phẩm cho tốt. Chính chất lượng sản phẩm và uy tín của nghệ nhân là điều mang khách đến với mình. Song khách đến với thương hiệu lần đầu là một chuyện, làm thế nào để khách còn quay lại với mình là một chuyện nữa quan trọng không kém.

“Sau khi khách mua hàng, mình vẫn tiếp tục giữ liên lạc với họ, hỏi xem họ có hài lòng không. Thường đồ da dùng sau một thời gian sẽ lên nước, mình sẽ tiếp tục theo dõi cảm nhận, đánh giá của khách”, chị Châu nói.

Các nghệ nhân cho biết, để nâng giá trị của sản phẩm, ngoài chú trọng chất lượng còn phải biết kể cho khách hàng nghe câu chuyện hậu trường. Đó có thể là câu chuyện về quá trình nghệ nhân tạo ra tác phẩm, câu chuyện về những nguyên liệu thân thiện với môi trường... Anh Trần Khánh Dương, người sáng lập dự án eComBamboo - chuyên bán hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ra nước ngoài bằng thương mại điện tử cho biết, đây là cách các thương hiệu lớn thường làm, nhưng là điều mà các nghệ nhân Việt Nam còn thiếu.

Theo đó, câu chuyện sẽ thúc đẩy bán hàng, bán hàng sẽ thúc đẩy sản xuất. Trước đây, thông qua các “ông lớn” thương mại điện tử, anh Dương từng thành công trong việc bán hàng thủ công mỹ nghệ xuất xứ Trung Quốc sang các nước khác. Theo anh Dương, lợi thế của Trung Quốc là có nhiều nhà cung cấp chuyên nghiệp, có thể đáp ứng ổn định các đơn hàng lớn. Ngoài ra, hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá vận chuyển rẻ nhờ tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô (sản xuất với quy mô càng lớn thì chi phí và giá thành trên một đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm, làm gia tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh).

Tuy nhiên, hàng thủ công Việt Nam lại có thế mạnh là không nhuộm hóa chất mà dùng những phương pháp truyền thống như phơi nắng để bảo quản sản phẩm, đúng với xu thế tiêu dùng trên thế giới. Hiện eComBamboo đang xây dựng mạng lưới các nhà sản xuất từ chính những làng nghề, nghệ nhân thủ công mỹ nghệ trên khắp cả nước. “Hàng thủ công Việt Nam đi nước ngoài không chỉ dừng lại ở những tấm chiếu, nón lá... mà còn phải nắm bắt trend (xu hướng).

Ví như cói không chỉ để đan chiếu mà còn làm thảm trải trên bãi biển. Vải thổ cẩm không chỉ để may trang phục dân tộc mà còn để làm hoa tai, cột tóc, túi xách… Vào các ngày lễ phổ biến của phương Tây như lễ Phục sinh, Ngày của Mẹ…, cần có những mặt hàng quà tặng phục vụ kịp thời. Thương mại điện tử sẽ mở ra hướng đi mới cho hàng thủ công Việt. Đây cũng là cơ hội cho những người trẻ duy trì những giá trị truyền thống bằng những phương tiện hiện đại”, anh Dương cho hay.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.