Cạnh tranh nhân sự, thiếu nguồn lực, chưa nắm chắc luật nên... bị lừa là những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải trên con đường hội nhập quốc tế.
Đại diện một doanh nghiệp (xin không nêu tên) tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) kể, công ty anh đang gặp khó trong tuyển dụng và giữ chân lao động. Lý do bắt đầu từ khi một tập đoàn của Mỹ chuyên sản xuất linh kiện máy bay ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thông báo tuyển dụng, nhiều lao động tay nghề cao ở công ty anh bắt đầu “nhấp nhổm” muốn chuyển việc.
Nhân lực là một yếu tố quyết định để tạo lợi thế khi hội nhập. (Ảnh do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức cung cấp). |
Công tác tuyển dụng cũng khó khăn, bởi đa phần các sinh viên kỹ thuật mới ra trường thích đầu quân cho những tập đoàn lớn của nước ngoài hơn là làm việc cho các nhà máy trong nước. “Sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn của nước ngoài kéo theo tình trạng cạnh tranh lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Xét về môi trường làm việc hay chế độ lương thưởng, doanh nghiệp trong nước khó lòng bì kịp doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi cũng chưa biết giải quyết vấn đề này như thế nào nữa”, vị đại diện doanh nghiệp này nói.
Cạnh tranh nhân lực chỉ là một trong nhiều bài toán mà doanh nghiệp địa phương phải tìm lời giải trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp cũng chịu “trái đắng” khi bạn hàng ở nước ngoài không giữ chữ tín.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (quận Thanh Khê) cho biết, công ty bà từng xuất khẩu hàng sang Lào. Hợp đồng yêu cầu bên mua phải thanh toán trong vòng một tháng, song đối tác “dây dưa” đến 5-6 tháng vẫn chưa trả xong, mỗi tháng chỉ trả nhỏ giọt không đủ để công ty trả lãi vay ngân hàng. “Trên lý thuyết thì chúng tôi có thể đi kiện. Nhưng trên thực tế thì những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi không có đủ nguồn lực tài chính, nhân sự để theo đuổi các vụ kiện đó. Hơn nữa, kiện cũng đồng nghĩa với việc mất bạn hàng”, bà Liên nói.
Không có đủ lực nên chịu thiệt là một chuyện, có trường hợp vì không nắm chắc luật nên bị bạn hàng nước ngoài... lừa. Một doanh nghiệp chuyên sản xuất, buôn bán nội thất tại quận Cẩm Lệ kể lại việc nhập bộ bàn ghế đắt giá cách đây không lâu. Mặt hàng được quảng cáo là có xuất xứ Hàn Quốc, mã vạch dán trên sản phẩm cũng là mã của Hàn Quốc. Vậy nhưng khi doanh nghiệp nhập hàng về, mở từng bộ phận ra xem thì mới phát hiện ra toàn bộ hàng từ một nước khác.
Tại hội thảo về doanh nghiệp với hội nhập quốc tế được UBND quận Cẩm Lệ tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, một khi đã tham gia vào thị trường quốc tế, doanh nghiệp nội địa cần nắm chắc “luật chơi”.
Theo luật sư Hưng, để tránh bị lừa về nguồn gốc hàng hóa như trường hợp của doanh nghiệp nội thất nói trên, khi giao dịch, doanh nghiệp phải yêu cầu đối tác đưa giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bởi đây mới là chứng từ có giá trị, còn mã vạch hoàn toàn có thể làm giả. Trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước như hiện nay, mọi doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều nên nắm vững những điều cơ bản như: các loại thuế quan, lộ trình giảm thuế, các biện pháp phi thuế quan, biện pháp phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ hàng hóa… Các thông tin này đều có thể được tra cứu từ trang web của VCCI bằng tiếng Việt.
Ông Hà Giang, người sáng lập Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường nhận định: “Muốn hội nhập tốt, doanh nghiệp phải bảo đảm 3 yếu tố: chất lượng, tiến độ và giá thành”. Để đạt được 3 yếu tố trên, doanh nghiệp phải có thiết bị hiện đại cùng mô hình quản trị tiên tiến. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp địa phương đang nằm trong khu dân cư, chưa có điều kiện đầu tư thiết bị, chưa thể mở rộng sản xuất. Theo đó, các doanh nghiệp cũng hy vọng thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp để đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào, thúc đẩy tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn.
Về phía các doanh nghiệp, ông Hà Giang chia sẻ, dù ở quy mô nhỏ hay thậm chí siêu nhỏ, cũng cần học tập các mô hình quản trị hiện đại. Còn theo ông Lê Đức Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức, trong xu hướng hội nhập và phát triển thì ngoài yếu tố máy móc thiết bị, doanh nghiệp còn cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm và mở rộng thị trường.
KHANG NINH