Ngày 26-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên chủ trì.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.Ảnh: VGP |
Theo thông tại hội nghị, nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách dưới mức bình quân chung, cụ thể có 31 bộ, ngành và 19 địa phương giải ngân đạt dưới 50%, thậm chí 18 đơn vị có tỷ lệ dưới 30%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Trước 31-12-2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán. “Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, bởi ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683 tỷ đồng. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải ngân là do chưa có danh mục dự án hoặc dự án chưa đủ thủ tục hay một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền và còn nhiều lúng túng trong công tác điều chỉnh...
Ngoài ra, vốn ODA, vốn còn lại chưa giao hiện cũng còn tới 14.346 tỷ đồng, do các dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục, trong đó lớn nhất là thủ tục điều chỉnh, gia hạn hiệp định. “Đáng chú ý hơn, số vốn do 3 bộ và 6 địa phương đề nghị giảm kế hoạch, trả lại vốn là khá lớn với 8.517 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số vốn dự kiến thu hồi là 10.078 tỷ đồng. Trong trường hợp một số dự án ODA quy mô lớn kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư (như các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) có thể báo cáo cấp
có thẩm quyền điều chuyển số vốn dự kiến thu hồi này cho các dự án đó”, Bộ trưởng Lê Chí Dũng nói.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đầu tư công thời gian qua đã đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là những công trình hạ tầng quan trọng. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019. Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 4 hậu quả lớn: Ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Tình trạng này còn gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Cuối cùng là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín giảm sút.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị liên quan từ nay đến hết năm 2019 và trong năm 2020 - năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Thủ tướng cũng chỉ đạo kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với những vi phạm làm chậm, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong xây dựng cơ bản. Các bộ trưởng, trưởng ngành, các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; nỗ lực phấn đấu tối đa giải ngân hết số vốn đầu tư công. Đối với các bộ, ngành, địa phương có số vốn được giao lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo thực hiện, phấn đấu quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách, không để kéo dài.
Thủ tướng tán thành đề xuất thành lập tổ công tác đặc nhiệm theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng cơ bản. Các bộ, ngành, địa phương được phép điều chỉnh bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 2019 đối với những dự án giải ngân chậm, không có khả năng thực hiện sang các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư bao gồm những dự án có kế hoạch đầu tư sau ngày 31-10-2018, có khả năng giải ngân, bảo đảm giải ngân hết số vốn 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án đã được nêu tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10-10-2016 của Chính phủ đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý công khai làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân thuộc các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương gây chậm trễ, khó khăn làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của UBND thành phố, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 của Đà Nẵng là gần 5.500 tỷ đồng (không kể dự phòng chưa phân bổ cho các dự án); đến ngày 31-8, đã giải ngân hơn 2.300 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch được giao. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có tỷ lên giải ngân cao nhất (hơn 290/hơn 321 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân hơn 0,8/hơn 3,2 tỷ đồng (26% kế hoạch), vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng (41% kế hoạch). Dự kiến đến cuối tháng 9, Đà Nẵng sẽ giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch được giao. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn xây dựng cơ bản 9 tháng năm 2019 của Đà Nẵng tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm, Đà Nẵng đã xác định việc hoàn thành kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Thành phố đã triển khai và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện, đặc biệt là trong công tác đền bù, giải toả triển khai công trình trọng điểm và động lực... Song tỷ lệ giải ngân của Đà Nẵng vẫn còn thấp, chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường hết các vấn đề phát triển ở các công trình quy mô lớn… Thông qua hội nghị trực tuyến, UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 còn lại, kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 của Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong năm 2019; sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công; điều chỉnh các quy định bất cập giữa các luật và thông tư liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng. |
KHANG NINH