Theo tiết lộ của Hải quan cũng như báo giới Mỹ, số nhôm Trung Quốc hàng tỷ USD đội lốt hàng Việt Nam xuất đi Mỹ có liên quan trực tiếp đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu, có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo tiết lộ của Hải quan cũng như báo giới Mỹ, công ty có liên quan trực tiếp đến số nhôm Trung Quốc có giá trị khoảng 4,3 tỷ USD đội lốt hàng Việt Nam xuất đi Mỹ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu, có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Số nhôm trị giá hàng tỷ USD đang được lưu giữ tại Việt Nam |
Cuối năm 2016, báo Mỹ là The Wall Street Journal đã có cuộc điều tra về số nhôm nói trên và xác định đứng đằng sau dự án trên là Tập đoàn lớn về nhôm của Trung Quốc có tên là China Zhongwang.
Đây là công ty do tỷ phú nhôm Trung Quốc Liu Zhongtian đứng sau. Tại Việt Nam, theo điều tra của The Wall Street Journal, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu do hai người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc) là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư.
Được biết, đây là dự án sản xuất nhôm được cấp phép từ năm 2011, có thời hạn 37 năm, công suất hơn 200.000 tấn/năm, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Số vốn mà hai cá nhân trên đứng ra thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam là gần 5.000 tỷ đồng.
Theo điều tra năm 2016 của báo Mỹ nói trên, hơn 500.000 tấn nhôm đùn, nguyên liệu để sản xuất nhôm đã được chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam, có liên quan tới doanh nghiệp này.
Theo báo The Wall Street Journal, sau khi bị Mỹ áp thuế cao đối với nhôm Trung Quốc, phía doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm mọi cách để bí mật chuyển hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam và Mexico để tẩy xuất xứ nhằm né thuế.
Mức thuế mà Mỹ đánh vào nhôm Trung Quốc theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết là hơn 374%, trong khi đó nhôm Việt Nam vào Mỹ chỉ phải chịu mức thuế 15%, thuế chênh gần 25 lần.
Chỉ tính riêng hơn 1,8 triệu tấn nhôm, trị giá gần 3 tỷ USD được xuất khẩu sang Mỹ trót lọt, mức thuế nhập khẩu mà công ty có liên quan đến Trung Quốc được hưởng rất lớn và Việt Nam có thể trở thành bàn đạp để cho phía Trung Quốc được hưởng lợi.
Thực tế, ngay sau khi phát hiện vụ việc, hải quan Việt Nam đã thông báo với hải quan Mỹ, Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng đến Việt Nam để điều tra vụ việc nói trên.
Chia sẻ với báo giới ngày 28-10, Tổng cục trưởng Cẩn nói: “Hải quan Mỹ trao đổi với Tổng cục Hải quan, kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi”.
Hiện quá trình điều tra vụ việc có liên quan đến nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt, lợi dụng xuất xứ Việt Nam vẫn được hải quan Việt Nam, Mỹ, cùng các cơ quan Bộ Công an Việt Nam điều tra làm rõ.
Hiện, do lợi thế về quy mô sản xuất và khó khăn đầu ra do Mỹ và nhiều đối tác lớn khác đánh thuế cao, nhôm, thép và các loại sản phẩm thành phẩm, tiền chế khác của Trung Quốc khác nhập khẩu vào Việt Nam số lượng lớn và với mức giá rẻ. Tháng 6-2019, Bộ Công thương đã lên tiếng về việc nhôm và thép Việt khó khăn do giá của Trung Quốc giảm mạnh, giá dưới chi phí sản xuất.
Căn cứ nhiều điều tra, Việt Nam cũng áp thuế chống bán phá giá với nhiều sản phẩm nhôm, thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam để bảo vệ sản xuất trong nước.
Liên quan đến vụ hơn 4,3 tỷ USD giá trị nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt xuất đi Mỹ, ngày 28-10, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định: "Không để Việt Nam thành điểm trung chuyển của hàng hóa gian lận, hiện cơ quan Hải quan đã và đang tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi gian lận xuất xứ".
Theo Dân Trí