Cập nhật hoạt động vận tải hành khách trên cả nước khi thí điểm mở lại

.

Về vận tải hành khách tuyến cố định, các tuyến đang được hoạt động từ ngày 13-10 và từ ngày 14-10 có 13 tỉnh đang hoạt động trên cả nước, với 91 tuyến, 169 chuyến đăng ký hoạt động trên ngày.

Chuyến xe khách liên tỉnh đầu tiên rời bến xe Mỹ Đình sau thời gian giãn cách. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Chuyến xe khách liên tỉnh đầu tiên rời bến xe Mỹ Đình sau thời gian giãn cách. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Tối muộn 14-10, Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo nhanh kết quả triển khai thí điểm mở lại vận tải hành khách (đường bộ, đường sắt, hàng không).

Về tình hình triển khai vận tải hành khách tuyến cố định, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đến thời điểm này, đã có 37 Sở Giao thông Vận tải báo cáo về triển khai vận tải đường bộ; trong đó 12 Sở Giao thông Vận tải đang chờ Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến, gồm: Cần Thơ, Hà Giang, Gia Lai, Nam Định, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hậu Giang.

Các Sở Giao thông Vận tải đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý khôi phục lại tuyến gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Điện Biên, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Phú Thọ, Phú Yên, Lai Châu, Kon Tum, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thái Bình, Tuyên Quang…

Các tuyến đang được hoạt động từ ngày 13-10 và từ ngày 14-10 có 13 tỉnh đang hoạt động trên cả nước, với 91 tuyến, 169 chuyến đăng ký hoạt động trên ngày. Thực tế hoạt động 73 chuyến, với 81 xe hoạt động trên ngày.

Bộ Giao thông Vận tải cho hay theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có chủ trương cho Sở Giao thông Vận tải chủ động mở các tuyến và Sở Giao thông Vận tải cũng đồng ý mở hết các tuyến trên cơ sở tần suất theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

Hành khách đến Thành phố Hồ Chí Minh phải xét nghiệm và từ Thành phố Hồ Chí Minh đi phải tiêm hai mũi vaccine.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chờ các Sở Giao thông Vận tải địa phương đầu đối lưu có văn bản thống nhất và gửi về Sở Giao thông Vận tải Thành phố để cùng khai thác.

Trong khi đó, báo cáo của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hải Phòng cho biết, thành phố đã chạy các tuyến Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn (trừ huyện Văn Lãng), Hà Nam (trừ thành phố Phủ Lý), Nam Định (trừ huyện Hải Hậu), Ninh Bình (trừ huyện Kim Sơn), Hòa Bình (trừ huyện Lương Sơn).

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở đã có văn bản số 1785/BC-SGTVT xây dựng phương án tuyến xe khách chạy đến các địa phương.

Cụ thể: Lạng Sơn (1 chuyến/ngày), Cao Bằng (1 chuyến/ngày), Sơn La (1 chuyến/ngày). Tính đến 6h ngày 14-10, đã có một chuyến chạy từ Cao Bằng đi Hà Nội; dự kiến ngày 15-10 sẽ có chuyến chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội.

Bộ Giao thông Vận tải thông tin, hiện nay, nhiều tỉnh đang vướng mắc trong việc rà soát về tiêm phòng Covid-19 cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách theo quy định tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế để bố trí, sắp xếp lái xe điều khiển phương tiện và bán vé cho hành khách.

Về hoạt động vận tải đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngày 14-10 tại ga Sài Gòn, ngành đường sắt chạy 2 chuyến tàu chuyên biệt chở công dân về quê.

Cụ thể, tàu SE24 chạy lúc 13h30 chở 550 hành khách về Tuyên Quang; tàu SE12 chạy lúc 15h20 chở 585 hành khách về Ninh Bình.

Cũng trong ngày 14-10, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức các chuyến tàu khách gồm: Tàu SE5 từ Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh (544 khách); tàu SE8 từ Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội (tổng khách mua vé toàn hành trình là 494 khách). Tàu LP5 Hà Nội-Hải Phòng (68 khách); tàu LP6 Hải Phòng-Hà Nội (78 khách).

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc mở lại tuyến vận tải đường sắt Thống nhất kèm theo các chuyến tàu chuyên biệt đã giải quyết nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân và hoàn toàn phù hợp, thích ứng trong tình hình mới.

Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho hay đơn vị này đã thực hiện việc kiểm tra, giám sát tại một số ga trên các tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội-Hải Phòng.

Qua kiểm tra, việc thực hiện của hành khách và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt về cơ bản đã đáp ứng đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải về phòng dịch và tổ chức vận tải hành khách.

Tuy nhiên, hiện nay một số chính quyền địa phương các phường có ga đường sắt là ga Hà Nội, Long Biên chưa bố trí đầu mối để tiếp nhận thông tin hành khách đến ga của địa phương từ doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

Do đó, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với chính quyền địa phương để làm rõ đầu mối tiếp nhận thông tin hành khách đến ga của địa phương từ doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

Về vận tải hàng không, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngày 14/10, các hãng hàng không thực hiện 12 chuyến bay khứ hồi với 1.843 khách đi các địa phương.

Cụ thể, từ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 10 chuyến bay đến các địa phương Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nội, Phú Quốc và Gia Lai.

Từ Hà Nội thực hiện 3 chuyến bay đến Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Điện Biên.

Tuy nhiên, trong ngày 14/10, các hãng hàng không đã hủy bỏ 3 chuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa do ảnh hưởng của bão số 8.

Ngoài ra, có 2 chuyến bay từ Đà Nẵng đi Cần Thơ, Đắk Lắk; 2 chuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau, Rạch Giá (Kiên Giang), một chuyến bay từ Thanh Hóa đi Lâm Đồng cũng bị hủy do nhu cầu đi lại ít. 

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.