Chống hàng giả mạo nhãn hiệu: Cần chế tài mạnh hơn

.

Việc sản xuất và buôn bán hàng giả ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, cần xử lý mạnh tay những hành vi vi phạm để tạo ra một thị trường lành mạnh...

Để kiểm soát việc kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan  chức năng. Trong ảnh: Lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra sản phẩm tại một cửa hàng kinh doanh ở quận Liên Chiểu.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Để kiểm soát việc kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. TRONG ẢNH: Lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra sản phẩm tại một cửa hàng kinh doanh ở quận Liên Chiểu. Ảnh: QUỲNH TRANG

Giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, thời gian qua, mặt hàng thường bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố gồm: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Các sản phẩm này được chào bán trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook hoặc trực tiếp tại các địa điểm kinh doanh của cá nhân, tổ chức.

Thực trạng buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu đang gây tác động xấu không chỉ tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Trong 8 tháng đầu năm 2021, Cục QLTT thành phố đã xử lý 9 vụ việc liên quan đến hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (chưa phát hiện cơ sở/xưởng sản xuất hàng giả trên địa bàn thành phố) với số tiền hơn 300 triệu đồng. Theo đánh giá của Cục QLTT thành phố, khi thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong khoảng thời gian dài để phòng, chống Covid-19, khiến một số mặt hàng không thiết yếu không được phép hoạt động.

Do đó, tình trạng vi phạm liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về sở hữu trí tuệ trong năm nay có xu hướng giảm lại. Dù vậy, sau khi thành phố kiểm soát được tình hình dịch bệnh, hoạt động kinh doanh được cho phép mở lại thì các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa có xu hướng thực hiện nhiều hơn các vi phạm hành chính về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Mới đây nhất, ngày 1-10, Công an quận Liên Chiểu đã tạm giữ 1 tấn hàng hóa gồm bột ngọt, hạt nêm, bột giặt của một đối tượng là quản lý nhà trọ (tại địa chỉ K109 đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam) có dấu hiệu làm giả các thương hiệu nổi tiếng.

Theo thông tin từ Phòng Thanh tra, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố, các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ mà sở xử lý tập trung thời gian qua chủ yếu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch gắn dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn. Từ năm 2017 đến 2020, Sở KH&CN đã tiếp nhận 25 đơn kiến nghị, phản ánh về hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa.

Cần sự phối hợp giữa các bên

Do sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực đa ngành và phức tạp nên công tác nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, các thông tin, kiến thức và pháp luật có liên quan là rất cần thiết, giúp giảm tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội.

Theo ông Lê Văn Thông, Chánh Thanh tra Sở KH&CN thành phố, để xây dựng và phát triển, giữ vững thương hiệu, các doanh nghiệp cần phải đăng ký để xác lập quyền của mình đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và phải tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng cách chủ động theo dõi thị trường để phát hiện hành vi xâm phạm.

Nếu phát hiện việc xâm phạm cần nhanh chóng thực hiện các hành động như: trực tiếp yêu cầu bên vi phạm ngừng các hành vi vi phạm; đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương nơi đóng trụ sở của bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm; khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án cấp tỉnh nơi bên vi phạm đóng trụ sở để đòi bồi thường thiệt hại (nếu gây thiệt hại về tài sản).

Trong trường hợp khẩn cấp, doanh nghiệp có thể yêu cầu tòa án hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật khác áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, niêm phong, tạm giữ hàng hóa… trước khi tiến hành các thủ tục khiếu nại, tố tụng.

Về phía doanh nghiệp, bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Go! cho biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như tính cạnh tranh của hàng hóa chính hãng, đơn vị luôn ký cam kết với các đối tác kinh doanh uy tín. Ngoài ra, siêu thị sẵn sàng phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra xử lý đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng lậu, hàng giả… trong siêu thị.

Theo đánh giá của ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục QLTT thành phố, công tác chống vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ rất gian nan do đối tượng ngày càng có thủ đoạn tinh vi và biến hóa. Các sản phẩm nhái không chỉ len lỏi từ cửa hàng, siêu thị mà đang được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử…

Thời gian đến, Cục QLTT sẽ xây dựng quy chế phối hợp các sàn giao dịch thương mại điện tử và ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… trong công tác chống hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, tổ chức cho người kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích