Dù gặp nhiều khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố đã có những thay đổi để phù hợp điều kiện thực tế và chuẩn bị sản phẩm mới, sẵn sàng mang trải nghiệm thú vị cho du khách.
Doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm mới sẽ góp phần tăng trải nghiệm cho du khách. TRONG ẢNH: Du khách tham gia trải nghiệm tại cột chỉ đường cổ nhất Đà Nẵng (đường Bạch Đằng - Thành Điện Hải). Ảnh: NHẬT HẠ |
Đến Làng Toom Sara (Suối Hoa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) dịp này, du khách sẽ có cơ hội để trải nghiệm một sản phẩm mới được xem là đặc sản mùa mưa của Đà Nẵng với tên gọi “Ngày Lóc chóc”. Anh Trần Công Minh (trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) cho biết: “Khi đến Làng Toom Sara, du khách được hòa mình với thiên nhiên xanh mát, các em nhỏ được trải nghiệm không gian văn hóa, không gian sống của người Cơ tu được tái hiện, được gặp già làng, học hỏi về các món ăn địa phương. Đó là những trải nghiệm rất đáng nhớ”.
Theo ông Huỳnh Tấn Pháp, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Toom Sara cho biết, từ tháng 10-2021, Làng Toom Sara đã giới thiệu tour 1 ngày dành cho người dân địa phương và du khách nội địa muốn đi trải nghiệm trong ngày. “Đà Nẵng năm nào cũng có mùa mưa nên tôi muốn xây dựng một sản phẩm đặc thù phù hợp với thời tiết này để cho khách trải nghiệm vẻ đẹp rất riêng của mùa mưa miền Trung.
Tham gia tour này, du khách sẽ có một ngày tại Làng Toom Sara với những trải nghiệm như được ngồi quây quần bên bếp lửa, cùng nhau đổ bánh xèo, nướng thịt, nấu cơm lam ngồi trò chuyện cùng già làng, gợi nhớ những ký ức tuổi thơ. Buổi sáng thức dậy mọi người cùng tắm trong không khí, hương rừng ngày mới, hái rau rừng... Tới đây, chúng tôi cũng có dự định trồng cây rừng bản địa thay thế cho rừng keo, tăng trải nghiệm cho khách đến… Sản phẩm tour này chủ yếu hướng đến các giá trị về gia đình, tình bạn bè, gắn kết tình cảm gia đình, yêu thương…”, ông Huỳnh Tấn Pháp nói.
Cũng tự làm mới mình bằng cách hình thành, bổ sung thêm các sản phẩm cho phù hợp với các hoạt động hiện có của đơn vị, Phó Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng Lê Đình Nam cho hay, hai năm qua, do tác động của dịch bệnh nên các hoạt động của lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng của đơn vị đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, công ty cũng đã tìm những hướng đi mới, mở rộng các hoạt động của đơn vị để thích nghi với tình hình.
Với tên gọi Furama Food Farm, khu nghỉ dưỡng Furama có ưu thế không gian rộng rãi, trong năm 2021 - quãng thời gian không đón khách vì dịch bệnh, đơn vị đã và đang xây dựng, phát triển khu vườn rộng 1 hecta để vừa trồng rau hữu cơ vừa làm trang trại nuôi 300 con gà. Bên cạnh đó, khu nghỉ dưỡng đang hoàn thiện khu ao cá có thể nuôi được 5.000 con để tận dụng nguồn thức ăn thừa.
Theo ông Lê Đình Nam, mô hình này sẽ góp phần phát triển thương hiệu khu nghỉ mát ẩm thực của Furama. Nguồn rau xanh thu được từ khu vườn sẽ góp phần cung cấp một phần thực phẩm bảo đảm vào bữa ăn cho du khách đến nghỉ dưỡng hoặc du khách cũng có thể tham quan vườn rau, có thêm trải nghiệm thú vị.
Để tạo thêm nét mới cũng như thu hút khách là người dân địa phương đến tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, mới đây, Bảo tàng Đà Nẵng đã ra mắt chương trình giáo dục trải nghiệm “Dạo bước sông Hàn”. Ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, sản phẩm này được triển khai theo hình thức tour tham quan.
Người tham gia sẽ như được ngược dòng thời gian trở về với thành phố trong quá khứ bằng chuyến tham quan, nghe thuyết minh về các di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của thành phố thông qua hành trình khám phá Bảo tàng Đà Nẵng và các di sản phụ cận như: di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, tòa Đốc lý (thời Pháp thuộc), sau gọi là tòa Thị chính (thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa), cột chỉ đường cổ nhất Đà Nẵng, dinh biệt thự của Chánh án Tòa án tối cao thuộc địa Pháp tại thành phố (nay là trụ sở HĐND thành phố).
Được biết, tour này đang được Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng miễn phí dành cho các nhóm khách 10-20 người. Ông Trần Văn Chuẩn cho hay, du khách, người dân có nhu cầu trải nghiệm tour này thì có thể đăng ký bên Bảo tàng sẽ tổ chức và có thuyết minh viên tham gia hướng dẫn và qua năm sẽ truyền thông rộng rãi tới du khách về sản phẩm này. Theo đánh giá của những người làm du lịch, trong bối cảnh như hiện nay, việc hình thành, bổ sung thêm các sản phẩm du lịch mới sẽ mang đến cho người dân địa phương cơ hội trải nghiệm, khám phá thêm về các giá trị di tích, văn hóa của thành phố.
Theo Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 27-11-2021 về khôi phục hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn bình thường mới (thay thế Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 13-4-2021), thành phố triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm khôi phục hoạt động du lịch trong quý 4-2021 và năm 2022 như: đón và phục vụ khách; chuẩn bị các điều kiện hoạt động du lịch trở lại, xúc tiến thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch… Thành phố chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ du khách; ưu tiên vốn đầu tư công và huy động nguồn lực của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để triển khai các dự án tạo sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới. Trong đó, đối với sản phẩm du lịch ban đêm, thành phố tiếp tục triển khai “Kế hoạch tổ chức thí điểm chương trình Đêm Đà Nẵng - Danang by night” và “Kế hoạch tổ chức thí điểm các hoạt động vui chơi giải trí về đêm tại bãi biển Mỹ An” phù hợp với tình hình Covid-19. Song song đó, triển khai đầu tư giai đoạn 2 dự án tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo; giai đoạn 2 dự án Khu phố du lịch An Thượng; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án chiếu sáng nghệ thuật “Dòng sông ánh sáng” cho hai bờ sông Hàn trên mặt sông và các cây cầu; đưa vào khai trương hoạt động Công viên APEC…
Đối với du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, thành phố hỗ trợ các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố đầu tư nâng cấp, bổ sung dịch vụ tạo sản phẩm mới để phục vụ và thu hút khách... Đồng thời bổ sung các vị trí xây dựng bến thủy nội địa, bảo đảm công năng tiếp nhận đa dạng các loại tàu du lịch, du thuyền dưới 30 chỗ, thuyền buồm, tàu thủy lưu trú du lịch trên các tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, khu vực quanh bán đảo Sơn Trà; đầu tư nâng cấp cảng Sông Hàn thành cảng du thuyền chuyên phục vụ du lịch; đầu tư xây dựng bến du thuyền tích hợp vào dự án tuyến Phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo…
|
NHẬT HẠ