Phát triển chợ truyền thống văn minh, hiện đại

.

Chợ truyền thống là một mắt xích trong quy hoạch đô thị, vì vậy, phát triển, sắp xếp mạng lưới chợ là yêu cầu cấp thiết, góp phần hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Việc áp dụng thanh toán không tiền mặt ở chợ truyền thống là bước tiến mới giúp chợ truyền thống tiếp cận người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán chuyển khoản tại chợ Cồn. Ảnh: QUỲNH TRANG
Việc áp dụng thanh toán không tiền mặt ở chợ truyền thống là bước tiến mới giúp chợ truyền thống tiếp cận người tiêu dùng. TRONG ẢNH: Khách hàng thanh toán chuyển khoản tại chợ Cồn. Ảnh: QUỲNH TRANG

Cần thiết phải sắp xếp lại hoạt động

Huyện Hòa Vang hiện có 19 chợ với hơn 2.000 hộ tiểu thương kinh doanh ổn định, được bố trí các quầy, sạp có vốn kinh doanh tương đối lớn, chiếm hơn 85% số lượng hộ tiểu thương tại các chợ; còn lại là hộ mua bán không thường xuyên. Qua khảo sát, tình hình hoạt động kinh doanh các chợ xã ở quy mô nhỏ, nguồn thu tại chợ chủ yếu để chi trả phí vệ sinh, điện, nước… (không đủ để thực hiện chi công tác quản lý); thời gian hoạt động ngắn, số lượng tiểu thương kinh doanh ít, hàng hóa kinh doanh nhỏ, lẻ phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân với các ngành hàng thực phẩm, ăn uống, trái cây, đồ gia dụng… Mặt khác, công tác tổ chức quản lý hoạt động, khai thác nguồn thu tại chợ và quản lý tài chính thu - chi tại các chợ hạng 3 do cấp xã quản lý còn lúng túng, không khai thác nguồn thu hiệu quả do chưa có hướng dẫn, phê duyệt giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng.

Tương tự, trên địa bàn quận Sơn Trà hiện có 9 chợ phân bố đều ở 7 phường: 1 chợ đầu mối (chợ đầu mối Thủy sản Thọ Quang do cấp thành phố quản lý), 7 chợ hạng 2 và 1 chợ hạng 3 (chợ Chiều thuộc phường Thọ Quang, không nằm trong quy hoạch).

Trong đó, mạng lưới 7 chợ hạng 2 cơ bản được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu cơ bản về văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy. 2 chợ đã xuống cấp cần đầu tư xây dựng lại với quy mô tương xứng sự phát triển đô thị là chợ Hà Thân và chợ Mai (khi xây dựng xong chợ Mai mới sẽ giải tỏa chợ Chiều).

Mặc dù công tác quản lý, khai thác chợ đã dần đi vào chuyên nghiệp nhưng thực tế hoạt động khai thác chợ hiện còn nhiều bất cập như vẫn còn các lô trống không buôn bán; hoạt động kinh doanh của một số tiểu thương chưa hiệu quả, nhiều người nợ tiền thuê mặt bằng và thuế; còn tình trạng buôn bán tự phát (nhất là thực phẩm tươi sống) lấn chiếm vỉa hè và lòng đường xung quanh chợ...

Thạc sĩ Trần Danh Nhân, (giảng viên khoa Thương mại điện tử, Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) nhìn nhận: “Lợi ích chính mà chợ truyền thống mang lại là tính tiện lợi về địa điểm, sự đa dạng về hàng hóa, mức giá phải chăng, không gian giao tiếp xã hội và khả năng đáp ứng vượt trội đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Bên cạnh các lợi ích, chợ truyền thống đang vướng phải nhiều điểm hạn chế về việc quản lý chợ như: quản lý bảo dưỡng cơ sở vật chất, giữ gìn vệ sinh chung, kiểm soát việc thực hiện quy định của chợ, các hạn chế về kỹ năng giao tiếp, kinh doanh giản đơn của các tiểu thương trong chợ. Vì vậy, việc kêu gọi đầu tư xây dựng và cải tạo các chợ bên cạnh việc quản lý và đào tạo kỹ năng phục vụ của tiểu thương là việc rất cấp bách hiện nay”.

Phát triển chợ văn minh, hiện đại

Nhằm nâng cao công tác quản lý chợ trong thời gian đến, UBND huyện Hòa Vang xây dựng phương án đầu tư, nâng cấp các chợ trên địa bàn huyện giai đoạn đến năm 2025 với một số nội dung như: đánh giá thực trạng các chợ, nâng cấp sửa chữa; lập phương án quản lý hoạt động, bố trí sắp xếp các chợ, kiện toàn bộ máy quản lý chợ và các nội dung liên quan đến quy định quản lý và phát triển chợ; xây dựng chợ văn minh thương mại, mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chợ kinh doanh thực phẩm…

Từ đầu năm 2021, UBND quận Thanh Khê đã triển khai thực hiện đề án “Phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn quận Thanh Khê giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó nhấn mạnh phát triển mạng lưới chợ phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho hay, nhiệm vụ thời gian đến  là thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác các hoạt động kinh doanh tại các chợ; tổ chức sắp xếp các ngành hàng kinh doanh một cách khoa học, hợp lý, thuận lợi cho hộ tiểu thương và người tiêu dùng; xây dựng dữ liệu quản lý các hộ tiểu thương tại 12 chợ trên địa bàn; kiện toàn bộ máy ban quản lý các chợ… Cùng với đó thực hiện công tác quy hoạch bằng nguồn ngân sách địa phương để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm các hạng mục không bị xuống cấp, hư hỏng. Quận cũng khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới chợ.

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Danh Nhân cho rằng, để chợ truyền thống có thể cạnh tranh được với các mô hình thương mại hiện đại như các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thì chợ nên được đầu tư theo hướng không vì lợi nhuận từ các nguồn tài trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội nhằm duy trì mức chi phí thấp cho tiểu thương, bảo đảm khả năng cạnh tranh của tiểu thương trong chợ.

Tuy nhiên, công tác quản lý vận hành và quản lý tài chính của chợ cần được chuyên nghiệp hóa nhằm bảo đảm việc các chợ truyền thống có thể tự vận hành sinh lãi và dùng lãi đó để tái đầu tư duy trì và cải tạo cơ sơ vật chất của chợ. Các doanh nghiệp phù hợp để có thể thu hút vốn đầu tư không vì lợi nhuận cho chợ truyền thống có thể là các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm hay các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Phương thức khả dĩ giúp chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vận hành và quản lý tài chính có thể là phương thức đấu thầu quản lý...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, thời gian tới, ngành công thương có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa lại các chợ theo quy hoạch, thực hiện tốt chủ trương của thành phố về xóa bỏ các chợ tự phát, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh thương mại tại các chợ truyền thống.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng chợ đầu mối Hòa Phước, chợ Cồn theo hướng duy trì chợ truyền thống văn minh, hiện đại; triển khai cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang chợ Hàn nhằm phục vụ du lịch; đầu tư, nâng cấp quy mô, chuyển đổi cải tạo chợ đầu mối Hòa Cường thành chợ dân sinh (hạng 1) khi chợ đầu mối Hòa Phước được đầu tư, xây dựng.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích