Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ ra đời không chỉ đưa nghề cá phát triển theo hướng hiện đại, tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng hội nhập quốc tế mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Tuy nhiên, đến nay, các tàu cá được hỗ trợ đóng mới theo nghị định này trên địa bàn Đà Nẵng đều gặp khó.
Một số tàu vỏ thép bị gỉ sét do nằm bờ quá lâu, không được bảo dưỡng. TRONG ẢNH: Tàu vỏ thép số hiệu ĐNa 90777 TS của ngư dân Trần văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: VĂN HOÀNG |
7/7 tàu bị “mắc cạn”
Đầu tư tàu cá công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để vươn khơi là xu hướng tất yếu của nghề cá hiện nay. Tại Đà Nẵng, mặc dù chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho thành phố phát triển 47 tàu được hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, nhưng đến nay chỉ có 7 tàu đóng mới của 6 ngư dân. Sau vài năm, toàn bộ 7 tàu này đều trong tình trạng bị “mắc cạn”, không thể vươn khơi đánh bắt.
Ngư dân Trần Văn Mười (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, năm 2015, ông vay vốn ngân hàng khoảng 17 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép. Đến năm 2016, tàu hoàn thành và hạ thủy đánh bắt. Lãi suất ưu đãi cho ngư dân là 1%/năm và được trả dài hạn nên mỗi quý, ông Mười trả khoảng 360 triệu đồng tiền gốc và lãi suất. Theo ông Mười, một năm, ngư dân thường có hơn 3 tháng không vươn khơi để bảo dưỡng tàu và tránh bão, thời tiết xấu...
Những tháng này, nếu ngư dân không có thu nhập dẫn đến không có khả năng trả nợ thì qua quý sau, áp lực rất nặng nề với mức lãi cao. Đầu năm 2021, do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng và do một số nguyên nhân, tàu vỏ thép của ông không thể vươn khơi đánh bắt. Nợ dồn nợ, ông mất khả năng chi trả cho lãi suất ưu đãi, trở thành lãi thương mại với mức lãi 7%/năm.
Nhìn con tàu vỏ thép bị gỉ sét đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) buồn bã cho hay, theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, mỗi năm, chủ tàu sẽ được hỗ trợ 100% chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ, nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu.
Tuy nhiên, do chính sách thay đổi, từ năm 2021, các tàu vỏ thép không còn được hỗ trợ, trong khi chi phí bảo dưỡng tàu lên đến 300-400 triệu/lần khiến các chủ tàu càng thêm khó. Bên cạnh đó, ngư trường đánh bắt hạn hẹp, nguồn lợi thủy sản ngày càng ít buộc những tàu vỏ thép phải đi xa và dài ngày hơn khiến chi phí vận hành tăng cao. Vì vậy, ngư dân không có nhiều lợi nhuận sau mỗi chuyến khai thác hải sản xa bờ dẫn đến việc tìm ngư dân đi cùng khó khăn.
Từ đó, dẫn đến việc chi trả vốn vay bị chậm, trở thành nợ xấu của ngân hàng. “Nghị định này vừa hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt, vừa phát huy sức mạnh của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đây là chính sách hỗ trợ rất có lợi cho chúng tôi nhưng quả thật, vốn vay quá lớn, chi phí vận hành, bảo dưỡng lại cao, trong khi đa phần các chuyến đánh bắt đều hòa hoặc lỗ vốn nên ngư dân rất khó khăn”, ông Tâm trăn trở.
Cùng với các ngư dân khác, gia đình anh Lê Văn Kháng (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cũng được hỗ trợ vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép. Trong quá trình sử dụng, tàu của anh đã bộc lộ hai bất cập. Đầu tiên, thiết kế tàu chưa phù hợp với hoạt động đánh bắt thực tế trên biển, tàu liên tục bị trục trặc, gặp nhiều sự cố hư hỏng dẫn đến việc khai thác kém hiệu quả.
Thứ hai, vốn vay ban đầu quá lớn trong khi quá trình khai thác có thời điểm gặp bất lợi như thiên tai, giá hải sản thấp… dẫn đến mất lãi suất ưu đãi, trở thành nợ xấu. “Đánh bắt không hiệu quả nên nhiều bạn thuyền không muốn đi. Chi phí cho chuyến biển quá lớn trong khi ngư dân không thể tiếp tục vay vốn ngân hàng. Vì thế, dù cố gắng thì vẫn không thể trả nổi, phải “trả” thuyền để ngân hàng thu hồi nợ. Đến nay, tàu vỏ thép của gia đình tôi đã neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang được 4 năm”, anh Kháng chua chát nói.
Một số tàu vỏ thép bị gỉ sét do nằm bờ quá lâu, không được bảo dưỡng. TRONG ẢNH: Chiếc tàu vỏ thép mang biển số ĐNa 90945 TS của ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm bị gỉ sét nặng đang “mắc cạn” tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Còn nhiều trăn trở
Theo Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Trần Văn Lĩnh, việc lựa chọn ngư dân được hỗ trợ vay vốn đóng tàu mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP tại Đà Nẵng được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, chi tiết và kỹ càng. Những ngư dân được lựa chọn đều là những người giỏi giang, đã có kinh nghiệm lâu năm, có trình độ cao, nhiều người trong số đó nhiều năm là điển hình xuất sắc của toàn quốc. Tuy vậy, trước khi các chủ tàu vay vốn, Hội nghề cá thành phố đã trao đổi, cảnh báo những khó khăn, nguy cơ và hiệu quả của nghị định. “Chính sách này hỗ trợ rất nhiều cho ngư dân, nhưng chưa hiệu quả. Bởi nghề cá là ngành công nghiệp đánh bắt hoàn chỉnh, trong đó, tàu cá chỉ là phương tiện đánh bắt, việc đóng tàu mới chỉ giải quyết được bề nổi. Muốn đánh bắt hiệu quả thì phải có công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt, nguồn nhân lực phải được đào tạo kỹ càng, có chuyên môn cao. Việc các tàu 67 của những ngư dân của Đà Nẵng đánh bắt không hiệu quả và đang nằm bờ là điều đáng tiếc”, ông Trần Văn Lĩnh cho hay.
Ông Lĩnh cũng trăn trở, rủi ro của ngư dân trong khi khai thác, đánh bắt trên biển là rất cao, có nhiều tàu liên tục chịu lỗ nặng sau mỗi chuyến vươn khơi. Trong khi đó, 2 năm qua, thị trường hải sản khá trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn lợi thủy sản thì ngày càng cạn kiệt trong khi giá nhiên liệu ở mức cao. Vì vốn vay ban đầu để đóng tàu vỏ thép là quá lớn, lãi suất ưu đãi cho các tàu đóng theo Nghị định số 67/NĐ-CP là 1%/năm nhưng chỉ cần một quý không trả được thì nợ sẽ dồn nợ biến thành lãi suất thương mại 7%/năm khiến ngư dân thêm khó khăn khi trả cả gốc lẫn lãi.
Ông Trịnh Quang Vinh, Phó Chi cục Thủy sản thành phố cho biết, tính đến nay, toàn bộ 7/7 tàu mới theo Nghị định số 67 của ngư dân Đà Nẵng vẫn đang nằm bờ, neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang. Sau Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP để sửa đổi và bổ sung một số điều nhằm hỗ trợ ngư dân như: cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Những chủ tàu mới vẫn tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ…; chính sách vay vốn lưu động, chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư… Mặc dù chính sách đã được các cấp sở, ban, ngành thành phố và ngân hàng thông báo cho ngư dân, chủ tàu nắm bắt nhưng đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào thực hiện chuyển đổi chủ tàu mới. “Để hỗ trợ ngư dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tham mưu trình UBND thành phố báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị bộ có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét tăng thời gian trả nợ vốn vay để các chủ tàu có điều kiện trả nợ cho các ngân hàng; đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá tác động và có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù, hỗ trợ ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ…”, ông Trịnh Quang Vinh cho biết thêm.
Ngoài Nghị định 67/2014/NĐ-CP, thành phố có Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Theo đó, tàu có công suất 400-600 CV được hỗ trợ 500 triệu đồng; từ 600-800 CV được hỗ trợ 600 triệu đồng và trên 800 CV được hỗ trợ 800 triệu đồng. Đến nay, lượng tàu được đóng theo Quyết định 47/2014/QĐ-UBND lên đến 142 chiếc, hoạt động ổn định và đều đặn.
|
VĂN HOÀNG