Giá vật liệu tăng, ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng

.

Từ đầu năm đến nay, các loại vật liệu xây dựng tăng giá liên tục khiến nhà thầu, đơn vị thi công, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều công trình xây dựng. Trong ảnh: công nhân thi công dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ tuyến đường Hồ Xuân Hương đến giáp Quảng Nam, thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN
Giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều công trình xây dựng. TRONG ẢNH: Công nhân thi công dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ tuyến đường Hồ Xuân Hương đến giáp Quảng Nam, thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Trong quý 1 và đầu quý 2-2022, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đều nhận được thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp các loại vật liệu xây dựng. Không chỉ giá sắt, thép tăng cao (khoảng 40%) mà gần như giá tất cả các loại nguyên vật liệu như: xi-măng, cát, đá, nhôm, kính… đều đang “leo thang” khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó.

Ông Nguyễn Thanh Hiến, chủ thầu xây dựng một công trình trong khu biệt thự Euro Village 2 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cho biết, vừa qua, một số công ty cung ứng thép như: Hòa Phát, Việt Đức, Việt Nhật, Việt Ý, Pomina, thép Thái Nguyên, thép miền Nam... thông báo giá thép cây tăng thêm vài trăm ngàn đồng/tấn. Như vậy, từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép đã tăng 3 lần với tổng mức tăng 1,6 triệu đồng/tấn thép. Nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá thép đã tăng 6 lần; tăng 16,5 - 17 triệu đồng/tấn lên khoảng hơn 19 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, các loại xi-măng cũng tăng giá thêm 50.000 - 100.000 đồng/tấn. Cụ thể, Công ty CP Xi-măng Xuân Thành thông báo tăng thêm 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi-măng bao từ ngày 20-3...

“Chỉ trong mấy tháng đầu năm mà giá vật liệu xây dựng tăng mạnh nhiều lần như vậy nên không nhà thầu nào chịu nổi nếu đã ký hợp đồng từ trước. Các công ty nhỏ như chúng tôi không dám bỏ giá thầu, vì bỏ giá cao thì không trúng, còn bỏ giá thấp thì lại không có lời”, ông Nguyễn Thanh Hiến than thở.

Cùng với đó, hàng loạt nguyên vật liệu xây dựng khác như: cát, bê-tông, đá cấp phối, đất, cát san lấp mặt bằng... cũng đua nhau tăng giá. Qua khảo sát cho thấy, giá cát san lấp khoảng 150.000-200.000 đồng/m3, cát xây tô có giá 400.000-450.000 đồng/m3; gạch ống có giá dao động 1.300-1.400 đồng/viên; các loại đá xây dựng có giá 310.000 đồng/m3; gạch men tăng khoảng 50.000 đồng/tấn lên 250.000 đồng/m2; tấm nhựa giả gỗ lót sàn từ 145.000 đồng/m2 tăng lên 185.000 đồng/m2; sàn gỗ công nghiệp từ 300.000 tăng lên 350.000 đồng/m2; sơn nước tăng 1,2 lên 1,4 - 1,7 triệu đồng/thùng. Các mặt hàng trang trí nội thất cũng tăng giá 25 - 45% tùy từng mặt hàng... Giá các loại vật liệu xây dựng hiện tăng khoảng 10% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Đến thời điểm này, giá vật liệu xây dựng tăng khiến các nhà thầu, đơn vị thi công gặp khó. Nhiều nhà cung cấp vật liệu xây dựng cho biết, chưa bao giờ, các loại giá vật liệu xây dựng, các sản phẩm liên quan đến xây dựng dân dụng lại tăng nhiều như hiện nay.

Ông Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Kỹ Việt cho hay, ngược lại với biến động giá của thế giới, giá thép tại thị trường Việt Nam trong tháng 4-2022 vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 Hòa Phát ở miền Bắc với mức 18.940 đồng/kg, giá thép thanh vằn D10 CB300 là 19.040 đồng/kg; riêng miền Trung và miền Nam từ 18.890 - 19.090 đồng/kg. Điều này khiến cho các đơn vị trung gian, đại lý cung cấp cho các công trình... dù không muốn tăng giá nhưng các công ty đã thông báo tăng họ phải tăng kéo theo tác động dây chuyền đến cả nhà thầu, đơn vị thi công đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ giá thành vật liệu xây dựng... Giá nguyên vật liệu cũng như giá xăng, dầu tăng liên tục đã đẩy phí vận chuyển tăng nên các đơn vị cung cấp đương nhiên tăng giá. Trong khi các đơn vị đã ký hợp đồng với chủ đầu tư, chủ nhà nên không thể tăng giá lên được, vì vậy nguy cơ lỗ hoặc lãi ít rất lớn trong năm 2022, thậm chí nhiều công trình rơi vào cảnh vỡ tiến độ nếu giá không hạ nhiệt.

Theo tính toán của nhiều chủ thầu xây dựng, mỗi công trình chỉ lời khoảng 3-5%. Trong khi giá vật liệu xây dựng tăng trong thời gian qua vượt quá mức 10%, do đó chắc chắn các nhà thầu sẽ lỗ nếu tiếp tục thi công công trình. Qua khảo sát thực tế cho thấy, do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng.

Theo đại diện liên danh nhà thầu Công ty 126 - Công ty 545 - Công ty Thủy Hà Nội - Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình đô thị Đà Nẵng đang thi công dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường ĐT 601, chưa bao giờ các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn như lúc này. Trong tình trạng “bão giá” vật liệu xây dựng, các nhà thầu xây dựng lâm vào tình trạng “càng làm nhiều, càng lỗ nhiều”.

Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng liên tục, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã ký Công văn số 959/BXD-KTXD ngày 23-3-2022 yêu cầu các địa phương vào cuộc ngăn đầu cơ, thổi giá, công bố kịp thời đơn giá vật liệu sát với thị trường để hỗ trợ các nhà thầu. Bởi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.