Giá xăng, dầu tăng mạnh: Doanh nghiệp vận tải gặp khó

.

Giá xăng, dầu liên tục tăng cao ở mức kỷ lục đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực vận tải cùng nhiều ngành nghề kinh doanh khác, đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực vận tải.

Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến các hoạt động vận tải. Trong ảnh: Người dân đổ xăng tại cây xăng trên đường 3 Tháng 2, quận Hải Châu.  Ảnh: KIM NGÂN
Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến các hoạt động vận tải. TRONG ẢNH: Người dân đổ xăng tại cây xăng trên đường 3 Tháng 2, quận Hải Châu. Ảnh: KIM NGÂN

Trong kỳ điều hành ngày 11-5, giá xăng đã tăng áp sát 30.000 đồng/lít, dầu diesel có giá bán là 26.650 đồng/lít (tăng 1.120 đồng/lít). Liên Bộ Công Thương - Tài chính không chi quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng E5, RON95, dầu diesel (trừ dầu hỏa chi 300 đồng/lít và dầu mazut chi 33 đồng/kg). Việc không chi quỹ bình ổn xăng dầu đã khiến giá xăng có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã tính đến phương án điều chỉnh giá cước để bù đắp chi phí.

Cước vận tải sẽ tăng?

Tăng giá cước trong bối cảnh hành khách vẫn còn thưa vắng sẽ rất mạo hiểm nhưng giữ mức giá cũ trong lúc giá xăng, dầu liên tục “leo thang” chẳng khác nào chạy để… lỗ! Nhiều doanh nghiệp vận tải đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Trần Thiện Thuật, chủ nhà xe chạy tuyến Đà Nẵng - Quế Lưu (Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) than thở: “Thông thường, giá cước mỗi khách từ Đà Nẵng về Quế Lưu khoảng 120.000 - 130.000 đồng/khách. Tuy nhiên, với tình hình tăng giá liên tục trong thời gian qua, các đầu xe chạy tuyến này đã tính toán tăng giá vận chuyển lên 10% để bù đắp chi phí”. Đại diện nhà xe Tùng Lâm, chạy tuyến Đà Nẵng - Ba Đồn (Quảng Bình) cho biết, thời gian qua, xăng dầu tăng gần 40% khiến doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn. Nếu không tăng giá vé thì càng chạy càng lỗ, mà tăng giá thì sụt giảm lượng khách. Hiện tại, nhiều chuyến xe xuất bến có chưa đến 50% khách, trong khi xăng dầu tăng cao, nếu giữ giá vé như cũ, doanh nghiệp lỗ nặng, còn tăng giá thì mất khách nên tình hình rất nan giải.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Cường Huỳnh (quận Sơn Trà) cho hay, công ty có hơn 30 đầu xe 4-45 chỗ, chuyên chạy phục vụ du lịch. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, doanh số của công ty khá ổn. Cũng như các đơn vị lữ hành trên địa bàn, công ty đang kỳ vọng vào sự thành công của du lịch trong thời gian tới, đặc biệt là dịp hè. Tuy nhiên, ngoài những tín hiệu tích cực, ngành du lịch lại phải đối mặt với nỗi lo giá xăng dầu. “Giá xăng, dầu tăng thì giá vận chuyển cũng tăng và giá tour du lịch cũng sẽ tăng vì vận chuyển chiếm tỷ trọng chi phí lớn trong cơ cấu tour. Các doanh nghiệp lữ hành sẽ khó trong việc xây dựng giá tour, giá tour cao thì khách hàng sẽ không sử dụng, còn nếu giá tour thấp thì các công ty phải chịu thiệt”, vị này chia sẻ.

Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến các hoạt động vận tải. Trong ảnh: Công nhân bốc xếp hàng ở Cảng Tiên Sa. Ảnh: THÀNH LÂN
Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến các hoạt động vận tải. TRONG ẢNH: Công nhân bốc xếp hàng ở Cảng Tiên Sa. Ảnh: THÀNH LÂN

Cần kiểm soát tốt giá xăng, dầu

Giá xăng, dầu tăng cao đã tác động lớn đến chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại sau Covid-19. Theo ông Phạm Thế Vỹ, Giám đốc hãng taxi Đà Nẵng, do trong giai đoạn phục hồi nên doanh nghiệp chưa tính đến việc tăng giá mà đang cố gắng tiết giảm chi phí để duy trì hoạt động; đồng thời xem nhu cầu đi lại trong thời gian tới thế nào mới tính đến việc tăng giá. Nếu tăng ngay bây giờ, chắc chắn lượng khách sẽ giảm, bởi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải hiện đang rất khốc liệt nên tăng giá vé thì sẽ mất khách. Do đó, thời gian qua, không ít doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng nhưng vẫn phải bỏ tiền túi ra bù lỗ.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Kim Hoàng Ngân (quận Hải Châu) Nguyễn Khắc Hải phân tích, trong hoạt động vận tải logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, vào khoảng 35-40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng. Cùng với đó, mỗi đầu xe còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như: bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT… nên nhiều doanh nghiệp gặp khó. Hiện tại, chỉ có cách tạm dừng hoạt động, hoặc nhận đơn vận chuyển của khách hàng mới, khách hàng vãng lai với giá mới; còn với khách hàng cũ thì xin ý kiến hỗ trợ để giảm phần nào chi phí, hạn chế lỗ...

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải bày tỏ, nếu giá xăng dầu tiếp tục neo ở mức cao, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ vận tải là khó tránh khỏi. Khi giá dịch vụ vận tải tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của hầu hết loại hàng hóa khác. Đây sẽ là áp lực rất lớn cho công tác điều hành giá, đặc biệt, gây áp lực không nhỏ đến đời sống người dân bởi giá cả hàng hóa thiết yếu sẽ tăng. “Người dân muốn các cơ quan chức năng có cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải. Nhất là kiểm tra tác động với chi phí đầu vào, giá thành dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng như thế nào với từng mức tăng của giá xăng dầu, từ đó kiểm soát được việc tăng giá dịch vụ vận tải có hợp lý hay không”, vị này nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp, thời điểm này, doanh nghiệp vận tải phần lớn chỉ hoạt động khoảng 50% công suất xe hiện có. Nếu xây dựng giá cước tương đương với mức nguyên liệu hiện nay sẽ rất cao, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên địa bàn nói riêng, hoạt động vận tải cả nước nói chung. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã triển khai ký hợp đồng từ đầu năm 2022 và thống nhất giá cước không thay đổi trong cả năm.

Đối với một số doanh nghiệp, nếu ký hợp đồng nguyên tắc với lộ trình điều chỉnh giá nhiên liệu 15 ngày/tháng thì sẽ điều chỉnh hợp đồng theo mức tăng của nguyên liệu; còn nếu không ký hợp đồng nguyên tắc theo dạng này sẽ gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng liên tục như vậy. Thực tế, chỉ những khách hàng vãng lai hoặc khách hàng lẻ thì doanh nghiệp vận tải mới có thể tăng giá được nhưng cũng phải báo trước cho khách hàng.

Đây là lúc các cơ quan chức năng cần sử dụng tới các công cụ điều hành, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các công cụ về thuế, phí. Cũng có ý kiến đề nghị xem xét giảm chu kỳ điều hành giá xăng dầu hơn nữa để thị trường trong nước phản ứng nhanh hơn với thị trường xăng dầu thế giới; điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu.

THÀNH LÂN - QUỲNH TRANG

Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân giá xăng tăng cao

Liên Bộ Công Thương - Tài chính lý giải giá xăng tăng, thực tế giá bán lẻ xăng dầu trong nước dựa trên giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore (giá Platt), không tính theo giá dầu thô như Brent hay WTI. Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11-5 và kỳ điều hành ngày 4-5 là 136,968 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 141,098 USD/thùng xăng RON 95. Trong khi, mức giá này tại kỳ điều hành ngày 11-3 (thời điểm giá dầu thô lập đỉnh) là 132,251 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 135,750 USD/thùng xăng RON95.

Như vậy, dù giá dầu thô giảm hơn nhiều so với thời điểm đỉnh tháng 3 nhưng giá xăng dầu thành phẩm cao hơn chính là nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước tăng nóng. Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, nếu không được giảm thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng mỗi lít với xăng RON 95; E5 RON 92 là 1.900 đồng và các mặt hàng dầu từ 700-1.000 đồng mỗi lít) thì giá bán lẻ xăng có thể tăng từ 3.300-3.500 đồng/lít. Tức là, giá xăng RON 95 sẽ lên hơn 32.000 đồng/lít, còn E5 RON 92 gần 31.000 đồng/lít. Một điểm nữa khiến giá xăng lần này lập đỉnh là do liên bộ trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG), nhưng không chi quỹ.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.