Khi Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước được phép mở cửa. Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được đặt lên hàng đầu với mục tiêu mang đến những bữa ăn sạch, an toàn cho người dân, du khách.
Người dân lựa chọn mua thực phẩm khô tại chợ Hàn, quận Hải Châu. Ảnh: K.HÒA |
UBND quận Hải Châu vừa phối hợp Ban quản lý (BQL) ATTP thành phố tổ chức tập huấn, tuyên truyền về công tác xử phạt hành chính và thực hành test nhanh thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác quản lý Nhà nước ATTP trên địa bàn quận. Đây là hoạt động nhằm củng cố năng lực, kiến thức, cơ sở pháp lý cho các địa phương trên địa bàn quận để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giam sát, xử lý vi phạm về ATTP sau thời gian bị ảnh hưởng do Covid-19.
Theo bà Phạm Thị Thùy Phương, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Y tế quận Hải Châu, các hành vi vi phạm về ATTP được quy định trong Nghị định 115/NĐ-CP/2018 ngày 4-9-2018 của Chính phủ và Nghị định số 124/NĐ-CP/2021 ngày 28-12-2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 115/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP. Qua công tác kiểm tra, giám sát, nhiều hộ kinh doanh, dịch vụ ăn uống, đặc biệt là kinh doanh vỉa hè vẫn còn vi phạm một số quy định như: không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, sang chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn…
“Các hành vi này tùy theo mức độ khác nhau sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Chính vì thế, ngoài công tác kiểm tra, giám sát, các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các hộ kinh doanh nắm bắt và tuân thủ các quy định về ATTP để hướng tới kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống an toàn”, bà Phương cho biết.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nhất là bảo đảm việc đón và phục vụ lượng du khách lớn trong thời gian tới, Phòng Y tế quận Hải Châu phối hợp các đơn vị xuống trực tiếp các phường để tập huấn bảo đảm ATTP, kỹ năng ứng xử, thái độ phục vụ khách tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận.
Các nội dung như điều kiện bảo đảm ATTP đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố; dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; thực hành tốt bàn tay; thực hành tốt vệ sinh cá nhân như duy trì định kỳ hằng năm khám sức khỏe, giữ móng tay ngắn và sạch sẽ… là những điều kiện mà các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm vỉa hè cần tuân thủ.
Theo BQL ATTP thành phố, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường công tác bảo đảm ATTP phục vụ hoạt động du lịch mở cửa trở lại, thời gian qua, đơn vị phối hợp Sở Du lịch tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các đơn vị, các quận, huyện về kinh doanh thực phẩm an toàn.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố cho biết, tín hiệu đáng mừng là các cơ sở khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch đã và đang mở cửa hoạt động hết công suất như trước để phục vụ du khách. Thực tế này cũng đặt ra một áp lực, đó chính là vấn đề ATTP phục vụ an toàn cho khách, nhất là khách theo đoàn phải được đặt lên trên hết.
“Chính vì thế, ngoài các kỹ năng ứng xử, thái độ phục vụ du khách, các cơ sở khách sạn và khu du lịch phải tuân thủ, bảo đảm các quy định về ATTP như phòng chống ngộ độc thực phẩm, các mối nguy cơ, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP cũng như phân tích các tình huống thực tế xảy ra. Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ du lịch đang thiếu, nhiều đơn vị đang tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu nên trong quá trình đó các cơ sở du lịch cần chú ý khâu tuyển dụng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ, kiểm tra và xử lý kịp thời các phàn nàn khiếu nại của du khách, tăng cường hệ thống bảo dưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở để bảo đảm ATTP trong quá trình mở cửa đón du khách”, ông Hải nhấn mạnh.
PHAN CHUNG