Nâng cao chất lượng, thương hiệu đặc sản Đà Nẵng

.

Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, các quầy hàng đặc sản tại chợ Hàn, chợ Cồn, các siêu thị đặc sản trên địa bàn đón hàng chục nghìn lượt khách đến mua sắm làm quà cho người thân. Đây là tín hiệu khả quan, động lực để các cơ sở sản xuất đặc sản ẩm thực chuẩn bị nguồn hàng chờ mùa du lịch hè sắp đến.

Công nhân cơ sở Mỹ Phương Foods (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) tất bật làm bánh ngọt.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Công nhân cơ sở Mỹ Phương Foods (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) tất bật làm bánh ngọt. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tăng dự trữ nguồn hàng

Ghi nhận của ngành du lịch cho thấy, khách đến các chuỗi cửa hàng, siêu thị đặc sản chủ yếu là khách đi tour, khách theo đoàn nhờ liên kết các đơn vị du lịch, lữ hành. Những mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất là các loại đặc sản vốn đã nổi tiếng lâu nay như: mực khô, cá khô rim, ghẹ rim, các loại khô bò, khô gà, hàng nông sản như bánh dừa nướng, bánh đậu xanh, bánh in... Từ sau lễ, không khí làm việc tại cơ sở chả cá Bích Chi (đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) rộn ràng hơn hẳn. Những mẻ chả cá chiên, hấp nóng hổi mới ra lò nhanh chóng được những người thợ đóng gói, dán nhãn, chuyển đến các chợ, đại lý trên địa bàn hay đi gửi cho các nhà phân phối ở các tỉnh, thành phố khác.

Bà Hồ Thị Chi, chủ cơ sở cho biết, trong 4 ngày lễ, doanh số của cơ sở tăng 30% so với trước đó. Để đón đầu lượng khách có thể tăng đột biến vào dịp hè sắp đến, cơ sở đang cố gắng tìm thêm nguồn cung cấp nguyên liệu mới để bổ sung vào nguồn hàng có thể bị thiếu hụt vì nắng nóng vào mùa hè và giá xăng tăng khiến tàu hạn chế ra khơi.

Tương tự, cửa hàng hải sản khô Hạng Huệ (đường Kỳ Đồng, quận Thanh Khê) cũng đón lượng khách lớn dịp lễ vừa qua. Anh Nguyễn Tân Khang, quản lý cửa hàng cho biết, lượng khách đã tăng mạnh trở lại trong dịp lễ 30-4 và 1-5, cao hơn so với dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) nhưng chưa bằng lại so với thời điểm trước Covid-19. Tuy vậy, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sự trở lại nhộn nhịp của du khách là tín hiệu khả quan, các đơn vị sản xuất đặc sản nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.

“Mực ba nắng Hạng Huệ là sản phẩm OCOP 4 sao, được sử dụng để làm quà tặng rất có ý nghĩa và mang tính đặc trưng của vùng biển Thanh Khê. Khác với những loại khô mực, mực một nắng khác…, mực ba nắng phải được phơi nguyên chất đúng qua ba đợt nắng to, giòn giã nhất; chính vì vậy, mỗi ngày ra khơi là mỗi ngày ngư dân phải theo dõi tình hình thời tiết để bảo đảm chất lượng của sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu của du khách trong dịp du lịch hè sắp đến, chúng tôi đã chuẩn bị nguồn hàng lên tới vài tấn, bảo đảm đủ nguồn cung cho các chợ và siêu thị trên địa bàn”, anh Khang cho biết thêm.

Trong khi đó, dịp lễ vừa qua, cơ sở Madasa - Quà quê của mẹ (chuyên kinh doanh những món đặc sản khô như: bò khô miếng, sợi, viên, khô gà lá chanh, cá thiều, mực tẩm…) doanh thu tăng 30%. Để đón đầu lượng khách có thể tăng đột biến dịp hè sắp đến, cơ sở dự định tăng sản lượng hàng 20-50%.

Chú trọng mẫu mã, bao bì

Theo các đơn vị sản xuất kinh doanh hàng đặc sản, hiện tại đang chú trọng đầu tư mẫu mã, thay vì chỉ tập trung vào chất lượng như trước đây. Chị Lê Thị Hồng Mận, chủ cơ sở Madasa - Quà quê của mẹ bày tỏ, Madasa đi theo định hướng thực phẩm sạch và mục tiêu lưu giữ hương vị cũ nên mẫu mã chủ yếu hướng đến hình ảnh truyền thống; bao bì tùy vào điều kiện khách hàng mà có sự bố trí riêng cho phù hợp.

Ví dụ, khách đi xa bằng máy bay cần hút chân không; khách biếu tặng cần hộp nhựa, các siêu thị cần hộp nhựa để tránh bị côn trùng gặm nhấm... Cơ sở tùy vào điều kiện khách để phục vụ bởi slogan của Madasa là “mỗi khách hàng nhận được sản phẩm từ Madasa như nhận được quà từ tay mẹ”.

Trong khi đó, sản phẩm bánh dừa nướng của Cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương Foods (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) là một đặc sản của Đà Nẵng được khá nhiều du khách yêu thích và mua về làm quà. Theo chị Mai Thị Ý Nhi, chủ cơ sở, mẫu mã, bao bì là yếu tố then chốt quyết định đến khả năng tiếp cận người tiêu dùng của sản phẩm. Định hướng thị trường của Mỹ Phương Foods hướng đến khách du lịch nội địa cũng như khách quốc tế, vì vậy, đơn vị không ngừng cải thiện chất lượng, cải tiến mẫu mã.

Tại các chợ du lịch như chợ Cồn, chợ Hàn, để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, nhiều tiểu thương đã chủ động đóng sẵn các hộp hoặc chia thành các gói đặc sản theo từng loại. Khách có thể chọn mua rồi đóng gói hoặc mua hàng đóng gói sẵn.

Theo các tiểu thương, việc chuẩn bị sẵn như thế này, khi có khách sẽ phục vụ nhanh hơn, bán được nhiều hàng hơn. Chưa kể, sau khi du khách mua hàng, tiểu thương sẽ chủ động đóng thùng hoặc đóng gói lớn (không tính phí) để khách thuận lợi ký gửi trên các phương tiện như máy bay, tàu hỏa hoặc xe khách. Qua tìm hiểu, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm phục vụ khách du lịch đều mong muốn tạo ra được sản phẩm uy tín, gắn liền với thương hiệu, mảnh đất Đà Nẵng để khách nếu có quay lại lần sau cũng nhớ mãi.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích