Chủ tịch UBND thành phố đã ký Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 23-3-2022 về việc ban hành kế hoạch tiến độ triển khai cụ thể các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ấn định cụ thể mốc thời gian hoàn thành tựa như ranh giới “đỏ” của nhiều dự án chậm tiến độ. Ranh giới cũng là cơ sở để xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân liên quan ở những khâu công việc chậm trễ, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.
Dự án Tuyến đường Vành đai phía tây 2 hiện đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: THÀNH LÂN |
Cụ thể, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án phát huy vai trò trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố trong việc xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng và nếu để ra chậm trễ ở khâu nào sẽ xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân liên quan ở khâu đó. Trong đó xử lý trách nhiệm ở các khâu mắc xích như giải phóng mặt bằng; lựa chọn tư vấn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, dự án; thiết kế bản vẽ thi công dự toán; thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp....
Hiện nay, dự án chậm tiến độ khá lâu là dự án “Tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan đoạn từ cầu Đỏ đến quốc lộ 14B” do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Công ty CP Xây dựng công trình 545 thi công. Dự án dài hơn 7km với tổng vốn hơn 526 tỷ đồng, khởi công từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn thi công dang dở cầm chừng vì vướng giải phóng mặt bằng. Do đó, UBND thành phố chủ động ấn định thời gian buộc phải hoàn thành dự án này vào cuối tháng 9-2022. Hiện hơn 2km trên tuyến vẫn chưa có mặt bằng để thi công.
Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 545 Hồ Anh Sơn cho biết, đơn vị thi công dự án hiện đang bị vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) đoạn qua địa bàn phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ; đồng thời thiếu vật liệu san đắp nền làm dự án đã vướng càng thêm vướng. Trước đây, khi thành phố chưa đóng các mỏ đất thì việc mua đất đắp nền khá đơn giản. Song, hiện nay, nhiều mỏ đất đóng cửa dẫn đến không ít các dự án không còn nguồn cung này... Chính vì vậy, ông Hồ Anh Sơn đề nghị bên cạnh việc tập trung GPMB, thành phố cần nghiên cứu bố trí và cho phép một số mỏ đất được mở cửa trở lại để phục vụ các dự án.
Dự án tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan đoạn từ cầu Đỏ đến quốc lộ 14B hiện đang vướng về mặt bằng chưa thể thi công. Ảnh: THÀNH LÂN |
Tương tự, dự án “Tuyến đường trục 1 Tây Bắc” do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, 2 đơn vị thi công gồm: (gói thầu 1) Liên danh Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng miền Trung - Công ty CP xây dựng và lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Phát triển năng lượng Đà Nẵng và (gói thầu 2) là Liên danh Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng miền Trung - Công ty CP xây dựng và lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Nhất Huy.
Dự án có tổng vốn hơn 996 tỷ đồng khởi công từ tháng 3-2020 nhưng tới nay vẫn ì ạch, nhiều khu vực vướng mặt bằng, đơn vị thi công gặp khó khi triển khai thực hiện. Đơn cử, tại đoạn nút giao thông Hoàng Thị Loan - Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A sau một thời gian dài đình trệ do vướng mặt bằng, hiện mới giải tỏa 38/164 hồ sơ (khu vực đi qua phường Hòa Khánh Bắc); riêng khu vực thuộc phường Hòa Minh hiện còn 15 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng. Trong khi đó kế hoạch phải hoàn thành giải tỏa từ tháng 4-2021. Do vướng mặt bằng nên đơn vị thi công mới triển khai được các hạng mục nền đường, bó vỉa, cống thoát nước đạt thấp... Được biết, với dự án này, thành phố cũng ra “giới hạn đỏ” phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý 1-2022 và tới cuối tháng 6-2023 phải hoàn thành công trình.
Trong khi đó, dự án “Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601” có chiều dài hơn 35km, hiện vẫn còn khoảng 10km chưa có mặt bằng thi công. Dự án này do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Liên danh nhà thầu Công ty 126 - Công ty 545 - Công ty Thủy Hà Nội - Công ty CP đầu tư xây dựng công trình đô thị Đà Nẵng thi công gói 1; liên danh Công ty Liên Việt Tiến - Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng thi công gói 2; Công ty TNHH MTV 17 thi công gói 3 và gói 4 do liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tây Ninh - Công ty CP Thắng Đạt - Công ty TNHH MTV 17 thi công.
Theo Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy, việc thi công dự án chậm tiến độ, ngoài vướng mặt bằng giải tỏa từ các hộ dân, còn phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng thi công đường ống dẫn nước thô DN1400 (kích thước đường kính 1.400mm); giải tỏa các hồ sơ lòng hồ đập dâng Nam Mỹ thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên; đường dây điện trên tuyến do Điện lực Đà Nẵng di dời và đường ống cấp nước sinh hoạt khu vực xã Hòa Bắc.
Dự án ĐT 601 thi công chậm trễ, kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt hiện nay khi tuyến cao tốc Hòa Liên - La Sơn đi vào khai thác, không cho xe máy lưu thông, đóng các lối mở dân sinh, việc di chuyển của người dân chỉ còn tuyến ĐT 601 sẽ càng khó khăn hơn. Trong khi đó, 30-9-2022 này, dự án sẽ buộc phải hoàn thành phục vụ lưu thông cho người dân.
Ông Nguyễn Minh Huy cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Ban đã yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công, tập trung triển khai thực hiện, đồng thời cam kết phải đạt tiến độ của thành phố giao. Hiện thời tiết đang thuận lợi, các nhà thầu đang nỗ lực tập trung nhân vật lực để đẩy nhanh thi công. Bên cạnh đó, một số dự án còn gặp khó khăn trong trong tiếp cận mặt bằng và đất đắp nền; nếu dự án nào có mặt bằng thì sẽ thi công ngay, cố gắng đạt tiến độ cao nhất trong mùa khô này.
Một dự án khác là “Tuyến đường vành đai phía tây 2” do Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng KCON - Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4 - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy là đơn vị thi công. Dự án dài gần 15km kéo từ quận Cẩm Lệ đến quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Dự án có vốn đầu tư phê duyệt ban đầu 87 tỷ đồng sau đó vốn đầu tư đội lên nhiều lần. Việc đội vốn được lý giải là do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng. Tuy vậy, ngay cả khi có đủ vốn để triển khai dự án thì để giải phóng xong mặt bằng cũng mất 4-5 năm. Theo yêu cầu của thành phố, đến 31-12-2022, dự án phải hoàn thành đoạn cuối tuyến đang thi công (dài hơn 4km, từ đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh đến nút giao đường tránh nam Hải Vân).
Tăng vốn đầu tư để hoàn thành công trình chậm tiến độ Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, nhiều dự án động lực, trọng điểm khác trên địa bàn hiện cũng bị chậm tiến độ do vướng mắc về GPMB... buộc thành phố phải tăng vốn đầu tư để có thể hoàn thành. Đầu năm 2022, HĐND thành phố đã điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án như: tuyến đường Trục 1 Tây Bắc; tuyến đường Lê Trọng Tấn và dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò. Với dự án “Tuyến đường Trục 1 Tây Bắc”, tăng vốn thêm hơn 273 tỷ đồng. Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 692 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng từ năm 2014 nhưng đến nay chưa hoàn thành. Dự án “Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận Đà Nẵng) và nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang” cũng phải điều chỉnh tăng vốn hơn 214 tỷ đồng, lên hơn 800 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án “Tuyến đường Lê Trọng Tấn” (đoạn từ Khu tái định cư Phước Lý 6 đến đường Hoàng Văn Thái) cũng điều chỉnh tăng vốn từ hơn 95 tỷ đồng lên hơn 127 tỷ đồng, tăng hơn 32 tỷ đồng... |
THÀNH LÂN