Từ những giải pháp và nỗ lực trong công tác chỉ đạo trên các lĩnh vực kinh tế, 5 tháng đầu năm 2022, các chỉ số kinh tế của thành phố có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021.
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q |
Theo Cục Thống kê thành phố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,4%, riêng ngành khai khoáng giảm 27,9%.
Về thương mại và dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 40.039 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 25.953 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, 8/11 nhóm có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán buôn hàng hóa ước đạt gần 62.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Về du lịch, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 6.385 tỷ đồng, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 401 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Về hoạt động giao nhận và vận tải, tổng doanh thu toàn ngành vận tải; bưu chính và chuyển phát ước đạt 9.058 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải đường bộ, đường sắt đạt 3.118 tỷ đồng, tăng 5,7%; đường thủy 32,6 tỷ đồng, tăng 3,2%; đường hàng không 2.279 tỷ đồng, tăng 88,9%; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải 3.192 tỷ đồng, tăng 6%; hoạt động bưu chính và chuyển phát 435,8 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 1,434 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đạt 859 triệu USD, tăng 28,2%; nhập khẩu hàng hóa đạt 575 triệu USD, tăng 5%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng tiếp tục duy trì xuất siêu 283,8 triệu USD.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố đánh giá, kinh tế thành phố 5 tháng đầu năm có những dấu hiệu khả quan, chuỗi sản xuất và tiêu thụ dần được khơi thông. Thị trường hàng hóa cơ bản ổn định với nhiều loại hình thương mại đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Du lịch Đà Nẵng đang phục hồi và trở lại mạnh mẽ sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, tạo động lực để ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố lấy lại đà tăng trưởng như trước khi dịch bệnh xuất hiện.
Cán bộ hướng dẫn thủ tục hải quan cho đại diện doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan khu công nghiệp Hòa Khánh - Liên Chiểu. Ảnh: M.Q |
Thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu
Theo Cục Thuế, thu nội địa từ 1-1 đến 31-5-2022 là 9.353,2 tỷ đồng, đạt 61,9% dự toán và tăng 20,2% so với cùng kỳ; trong đó, thu tiền sử dụng đất là 1.838,9 tỷ đồng, đạt 68,1% dự toán và bằng 329,5% so với cùng kỳ; thu từ thuế, phí và thu khác ngân sách là 7.514,2 tỷ đồng, đạt 60,6% dự toán và bằng 104,1% so với cùng kỳ. Theo đó, hầu hết các khoản thu, sắc thuế chủ yếu đều tăng, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng cao với cùng kỳ.
Trong khi đó, theo Cục Hải quan Đà Nẵng, số thu xuất nhập khẩu từ ngày 1-1 đến 1-6-2022 là 2.441,83 tỷ đồng, đạt 54,26% so với chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước được giao (4.500 tỷ đồng), đạt 50,2% chỉ tiêu phấn đấu (4.860 tỷ đồng) và tăng 9,56% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của Cục Hải quan Đà Nẵng, nguyên nhân tăng thu so với cùng kỳ năm trước là do một số mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu và số thuế tăng.
Về xuất khẩu mặt hàng cát, bột thạch anh tăng 185,5%, số thuế phải thu tăng 177,9%; mặt hàng nhôm vụn tăng 56,4%, số thuế phải thu tăng 53,8%... Về nhập khẩu, mặt hàng linh kiện, phụ tùng, phụ kiện ô-tô tăng 22,7%, số thuế phải thu tăng 8,9%; mặt hàng máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ tăng 36,5%, số thuế phải thu tăng 12,6%; mặt hàng hóa chất, sản phẩm hóa chất tăng 17,1%, số thuế phải thu tăng 16%; mặt hàng gạch đá tăng 35,8%, số thuế phải thu tăng 10,1%; mặt hàng giấy tăng 40,7% và số thuế phải thu tăng 30,2%.
Ông Trương Công Khoái, Phó cục trưởng Cục Thuế thành phố, để bảo đảm hoàn thành dự toán thu nội địa quý 2 cũng như hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022, toàn ngành thuế thành phố đang tập trung triển khai một số giải pháp như: tăng cường công tác giám sát việc kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp lớn, trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; tập trung phối hợp thu nợ tiền sử dụng đất, nhất là khu đất đã có mặt bằng; tăng cường giám sát quản lý thuế hộ, cá nhân kinh doanh…
Trong khi đó, với chủ trương thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa chủ lực của thành phố, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tiếp tục đạt những kết quả tích cực, có thể thấy qua số thu xuất nhập khẩu cũng như tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thu ngân sách xuất nhập khẩu, ông Quách Đăng Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết, ngành tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra sau thông quan, rút ngắn thời gian thông quan, chi phí hành chính cho doanh nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng, kết quả thu ngân sách Nhà nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước cho thấy nỗ lực của ngành tài chính, cũng như những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2022, Sở Tài chính đề nghị các cơ quan tài chính phối hợp các sở, ban, ngành rà soát, nắm bắt nguồn thu; phân tích, đánh giá kỹ tác động của những gói chính sách hỗ trợ đến thu ngân sách, xây dựng kịch bản thu chi tiết theo từng tháng với từng khu vực, khoản thu, sắc thuế.
Tính từ đầu năm đến ngày 15-5, thành phố cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 1.780 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 11.504 tỷ đồng, tăng 3% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động gia tăng đáng kể với 1.496 doanh nghiệp, tăng 52,5% so với cùng kỳ 2021. |
MAI QUẾ