Do nhu cầu, thị hiếu của du khách về du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng, nên tại một số địa phương đã có hiện tượng kinh doanh dịch vụ, du lịch tự phát, nhỏ lẻ, manh mún trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Một số công trình, quán tạm được lắp dựng trái phép trên ruộng lúa ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang để kinh doanh phục vụ du lịch. (Ảnh chụp tháng 2-2022). Ảnh: THU HÀ |
Lắp dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp
Sau khi mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đầu tiên của ông Đinh Văn Như (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) đi vào hoạt động, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã Hòa Bắc có thêm 11 hộ dân khác lắp dựng các công trình tạm trên đất nông nghiệp để làm du lịch, kinh doanh dịch vụ ăn uống, phục vụ chụp ảnh (check-in)...
Trong đó, có 5 trường hợp là khu Yên Retreat (thôn Nam Yên), khu du lịch sinh thái bãi sạn Phước Hà, Làng CoCo (thôn Lộc Mỹ), Làng Mê (thôn Nam Yên), Khu Cu Đê House (thôn Nam Yên) có hình thức cắm trại. Còn các trường hợp khác là các quán tạm kinh doanh ăn uống, giải khát, phục vụ du lịch. Các công trình tạm trên đất nông nghiệp được lắp dựng bằng các vật liệu thô sơ như: tre, nứa, gỗ, sắt, không có tường xây dựng bằng bê-tông cốt thép và không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, không hủy hoại đất.
Các mô hình kinh doanh nói trên đã tạo được công ăn việc làm cho một số lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/tháng. “Hầu hết những khu đất nông nghiệp này đều sản xuất kém hiệu quả. Người nông dân kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh dịch vụ, du lịch trên mảnh đất của mình và điều này đã mang lại thu nhập tốt hơn, tạo thêm việc làm cho nông dân, góp phần phát triển dịch vụ cho địa phương.
Tất cả trường hợp vi phạm lắp dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp đều đã bị UBND xã Hòa Bắc lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người dân có đơn xin được tồn tại các lều, sạp, nhà tạm, nhà gỗ... để phục vụ du lịch và cam kết tự tháo dỡ khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước và cũng không yêu cầu đền bù hỗ trợ”, ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho hay.
Ngày 4-5-2022, HĐND thành phố ban hành Công văn số 59/HĐND-ĐT thông báo kết luận giám sát chuyên đề do Ban Đô thị (HĐND thành phố) chủ trì về tình hình quản lý đất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc địa bàn xã Hòa Bắc. Theo đó, qua giám sát thực tế của Ban Đô thị và các cơ quan, đơn vị liên quan cho thấy, trong thời gian qua, trên địa bàn xã Hòa Bắc đã xuất hiện một số mô hình phát triển du lịch sinh thái, tự ý dựng các lều sạp, trang trí các tiểu cảnh trên đất nông nghiệp để phục vụ việc tổ chức sinh hoạt, vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú; một số trường hợp được xây dựng chưa phù hợp với các quy định pháp luật. Ban Đô thị HĐND thành phố kiến nghị Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hòa Vang và Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hòa Bắc chấn chỉnh, xử lý, chấm dứt việc sử dụng đất không đúng mục đích; chấm dứt tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp để hình thành các cơ sở dịch vụ, du lịch trái quy định...
Phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng sao cho đúng?
Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Đức Thương khẳng định, trên địa bàn xã có một số mô hình làm dịch vụ, du lịch sinh thái, nhưng tất cả đều được triển khai đến đất ở nông thôn, không có trường hợp nào xây dựng các công trình làm dịch vụ, du lịch trên đất nông nghiệp thuần túy.
Hiện nay, xã Hòa Ninh đang hoàn thiện nội dung Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Ninh đã tổ chức phản biện đề án này. Tuy nhiên, vấn đề là người dân cũng như chính quyền địa phương cần là cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch này.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoà Vang Đỗ Thanh Tân cho hay, phát triển du lịch là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành. Huyện Hòa Vang phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là xu thế tất yếu, trong mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ lẫn nhau.
Phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch. Huyện Hòa Vang hiện nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông thôn với nguồn khách du lịch đến Hòa Vang ngày càng gia tăng, nếu tổ chức và sắp xếp tốt thì đây là nguồn lợi lớn, sinh kế mới cho người dân nông thôn.
Xuất phát từ nhiệm vụ được giao và hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông thôn của huyện trở thành những điểm du lịch sinh thái - nông nghiệp, tạo việc làm “tại chỗ” cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân đô thị và cung cấp dịch vụ giáo dục trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông.
Huyện Hòa Vang đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm hướng phát triển cho du lịch phù hợp cho hiện trạng tiềm năng sinh thái, văn hóa của mình. Điểm du lịch cộng đồng 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc với khởi đầu là homestay A Lăng Như đã đánh dấu hướng tiếp cận đúng của huyện trong việc phát triển du lịch cộng đồng và lan tỏa cảm hứng cho nhân dân. Đây cũng là cơ sở để huyện phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 về thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến khẳng định: “Chúng tôi rất ủng hộ làm du lịch sinh thái, cộng đồng để phát triển vùng nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân... nhưng phải làm đúng quy định và kiểm soát được. Nhiều địa phương làm rất tốt, nhất là Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La)... nhưng họ xây dựng các mô hình lưu trú, homestay trên đất ở nông thôn, không xây dựng trên đất nông nghiệp thuần túy, nên không vi phạm các quy định của pháp luật. Còn ở xã Hòa Bắc nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung, muốn phát triển du lịch trên đất nông nghiệp thuần túy thì phải có đề án phát triển du lịch cộng đồng hoặc phải làm đúng quy định của Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 HĐND thành phố”.
Theo đó, từ năm 2022-2025, triển khai tối đa không quá 15 mô hình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Mô hình thí điểm này tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thuỷ sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho khách du lịch trong ngày, người dân đô thị và trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên, không thay đổi mục đích sử dụng đất rừng, không hay đổi kết cấu và hiện trạng đất rừng, không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp, không gây ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi cơ cấu cây trồng, hạng mục cơ sở vật chất được lắp dựng phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung.
Việc thực hiện mô hình thí điểm phải tuân theo nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu 70% diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Các dịch vụ được triển khai thí điểm gồm dịch vụ trải nghiệm, ăn uống, vui chơi giải trí… “Các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng ở huyện Hòa Vang phải tuân thủ đúng nội dung, quy định của Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 HĐND thành phố Đà Nẵng”, ông Nguyễn Thành Tiến nhấn mạnh.
HOÀNG HIỆP - THU HÀ