ĐNO - Ngày 10-8 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hai hội thảo có sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương góp ý hoàn thiện nội dung Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quang cảnh hội thảo góp ý dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10-8-2022. Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Hội thảo thứ nhất diễn ra sáng 10-8, tiến hành đánh giá và góp ý nội dung Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ trì hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đinh Trọng Thắng đề nghị các đại biểu bộ, ngành Trung ương đánh giá về sự phù hợp giữa căn cứ pháp lý và khoa học thực tiễn; xác định rõ tồn tại, hạn chế và định hướng phát triển trong thời gian tới của thành phố Đà Nẵng.
Đặc biệt là vấn đề chuyển đổi cân bằng giữa các ngành; các lĩnh vực chính, gồm: du lịch, kinh tế tri thức, công nghệ; việc phân bổ không gian; phát triển các khu chức năng; phương án kết cấu hạ tầng; chỉ tiêu sử dụng đất; phát triển đô thị; các cân đối nguồn lực để phát triển…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết, thành phố cầu thị, tiếp thu ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo quy hoạch; đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu bổ sung, hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Đại biểu các bộ, ngành Trung ương đã góp ý đưa ra những phân tích, đánh giá cụ thể, khách quan để giúp thành phố Đà Nẵng hoàn thiện dự thảo quy hoạch với quan điểm bảo đảm phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của thành phố Đà Nẵng là cửa ngõ giao thương quốc tế, là trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia và khu vực miền Trung - Tây Nguyên..
Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; phù hợp với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực triển khai thực hiện; đánh giá vị trí địa kinh tế - chính trị của thành phố Đà Nẵng; các tác động về điều kiện và bối cảnh từ bên ngoài đến phát triển của thành phố Đà Nẵng...
Các cơ hội liên kết giữa thành phố Đà Nẵng với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm và cả nước; hành lang kinh tế Đông - Tây; khả năng khai thác các cơ hội phát triển trong thời đại mới.
Các đại biểu chỉ ra những thách thức của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là về năng lực cạnh tranh, sự gắn kết trong chuỗi giá trị; chất lượng nguồn nhân lực; vấn đề liên kết vùng Đà Nẵng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng; thiếu cơ chế phối hợp phát triển kinh tế hiệu quả trong liên kết giữa các địa phương, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp...
Phiên thứ hai là hội thảo tham vấn chuyên gia phục vụ hội đồng thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình thẩm định Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra chiều 10-8.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Văn Thụy chủ trì hội thảo cho rằng, việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia, đại diện bộ, ngành liên quan có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp thành phố Đà Nẵng hoàn thiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Dự thảo quy hoạch đưa ra 5 ngành mũi nhọn, gồm: du lịch và dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao; cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; chế xuất, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Dự thảo đánh giá môi trường chiến lược đã xác định các vấn đề môi trường chính tác động bởi quy hoạch, hiện trạng các thành phần môi trường, tài nguyên thiên nhiên; quan điểm, mục tiêu quy hoạch và dự báo tác động đến môi trường; lựa chọn các vấn đề môi trường chính; đánh giá tác động và các giải pháp về tổ chức, quản lý, về giảm nhẹ phát thải.
Tham gia ý kiến, các đại biểu bộ, ngành Trung ương cho rằng, mục tiêu và nội dung của Quy hoạch thành phố Đà Nẵng nhìn chung phù hợp với các mục tiêu về bảo vệ môi trường trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong bộ luật của Nhà nước, chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; phù hợp với các mục tiêu về bảo vệ môi trường trong các quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt...
Theo đó, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững để xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống là yêu cầu xuyên suốt của quá trình lập quy hoạch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Các đại biểu tập trung góp ý về một số chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về môi trường của thành phố Đà Nẵng; nguy cơ ô nhiễm nước tại các khu vực tiếp nhận nước thải đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi; phát sinh chất thải sinh hoạt, chất thải xây dựng; suy giảm đa dạng sinh học;…
Đồng thời đề nghị bổ sung quan điểm coi môi trường là điều kiện, nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; bổ sung nội dung về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường….
Về định hướng và các phương án phát triển ngành du lịch, quy hoạch cần xem xét, bổ sung các giải pháp bảo vệ môi trường về kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa trên biển; kiểm soát, xử lý nước thải từ đất liền, từ các tàu thuyền trên vịnh. Đồng thời, cần nhấn mạnh việc bảo tồn, gìn giữ hệ sinh thái biển để phát triển du lịch bền vững, đặc biệt chú trọng phục hồi hệ sinh thái rạn san hô ven bờ biển Đà Nẵng.
Bổ sung danh mục các dự án ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học chương trình, dự án về điều tra, khảo sát, chuyển đổi số trong bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học, loại bỏ loài ngoại lai xâm phạm, tăng cường nhận thức người dân và năng lực quản lý trong lĩnh vực đa dạng sinh học ...
Về phương án bảo vệ, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, quy hoạch cần bổ sung làm rõ, cập nhật nguyên tắc trong quản lý tài nguyên nước, ứng dụng của phân vùng môi trường và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
TRIỆU TÙNG