Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm do hoạt động bán tháo trong chiều 18-8, sau khi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy các quan chức dự định tiếp tục nâng lãi suất để giải quyết lạm phát.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN |
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa giảm điểm khi các nhà đầu tư chốt lời sau sự sụt giảm của Phố Wall. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo mất 0,96% (tương đương 280,63 điểm) xuống 28.942,14 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng trong vùng giảm điểm trong chiều 18-8, khi các nhà đầu tư lo ngại về việc FED ám chỉ sẽ tăng lãi suất tích cực hơn để kiềm chế lạm phát. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,33% (8,42 điểm) và đóng cửa ở mức 2.508,05 điểm.
Tại Trung Quốc, cổ phiếu Hong Kong không nằm ngoài xu hướng bán tháo trên khắp các thị trường thế giới sau khi FED công bố biên bản cuộc họp tháng Bảy. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,80% (158,54 điểm) xuống 19.763,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng lùi 0,46% (14,98 điểm) xuống 3.277,54 điểm.
Các thị trường Sydney, Taipei, Mumbai, Wellington và Bangkok cũng trong vùng giảm điểm, trong khi Singapore, Manila và Jakarta đi lên.
Trong biên bản họp, các nhà hoạch định chính sách FED cho biết sẽ tiếp tục tăng chi phí đi vay "trong một thời gian nữa", mặc dù họ thừa nhận rằng có nguy cơ việc điều chỉnh sẽ đi quá xa và gây tổn hại cho nền kinh tế.
Nội dung biên bản cuộc họp tháng Bảy đã làm giảm hy vọng rằng sau một thời gian mạnh tay điều chỉnh lãi suất trong năm nay, FED có thể bắt đầu giảm lãi suất vào năm 2023 khi lạm phát “hạ nhiệt”.
Chuyên gia Meera Pandit của công ty quản lý tài sản JP Morgan Asset Management (Mỹ) dự báo rằng thị trường sẽ còn nhiều biến động liên quan tới lãi suất trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là khi nhà đầu tư bắt đầu thừa nhận sự thật rằng có thể không xảy ra những đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2023 như thị trường kỳ vọng.
Thêm vào đó, thông tin rằng lạm phát ở nước Anh đã tăng vọt trên 10% lần đầu tiên kể từ năm 1982 cùng khiến tâm trạng nhà đầu tư thêm bi quan.
Một yếu tố khác cũng tác động tới tâm lý nhà đầu tư là những lo lắng không dứt về nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt khi ngân hàng Goldman Sachs và Nomura cắt giảm triển vọng tăng trưởng của nước này một lần nữa, sau một đợt số liệu kinh tế không tốt như hy vọng và nước này vẫn quay cuồng với các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19.
Hai ngân hàng trên đưa ra thông báo hạ triển vọng kinh tế Trung Quốc sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 15-8 bất ngờ cắt giảm lãi suất. Sau đó một ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi sáu tỉnh quan trọng - chiếm khoảng 40% nền kinh tế - thúc đẩy các chính sách hỗ trợ tăng trưởng ở nước này.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên 18-8, chỉ số VN - Index giảm 1,62 điểm (0,13%) xuống 1.273,66 điểm. Chỉ số HNX – Index cũng để mất 1,4 điểm (0,46%) xuống 301,19 điểm.
Theo Báo Tin tức