Ngày 30-8, Cục Thống kê thành phố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố tháng 8-2022 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng, CPI tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. So với tháng 7, trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm hàng có CPI tăng, cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,77%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,66%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,62%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,4%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,29%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,27%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%; giáo dục tăng 0,12% và bưu chính viễn thông 0,1%. Duy nhất nhóm giao thông giảm sâu 6,69% so với tháng trước.
Một số nguyên nhân nổi bật tác động làm CPI nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá so với tháng trước phải kể đến là ảnh hưởng từ các đợt giá xăng dầu tăng cao vào các tháng trước, các chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng, các chi phí phát sinh có liên quan cũng tăng theo nên giá các mặt hàng thực phẩm và dịch vụ, ăn uống ngoài gia đình tăng giá để bù đắp các khoản chi phí.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu dùng điện, nước của người dân tăng dẫn đến chi phí sử dụng điện, nước tăng. Tuy nhiên, do nhóm giao thông giảm sâu nên CPI của tháng 8 vẫn giảm so với tháng 7. Cụ thể, giá xăng dầu được điều chỉnh 3 đợt trong tháng 8 làm chỉ số giá nhóm xăng dầu chung giảm 13,85%, trong đó xăng giảm 14,55%, dầu mỡ nhờn giảm 0,13%, dầu diesel giảm 12,9%. Giá bán lẻ gas cũng giảm 3,77% so với tháng trước.
M.Q