Đưa Đà Nẵng trở thành đầu mối logistics quan trọng trong vùng và hành lang kinh tế Đông-Tây

.

ĐNO - Đó là đề xuất của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (đơn vị tư vấn đề án) thuộc Bộ Giao thông vận tải tại buổi báo cáo đề án "Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045" vào sáng 16-8. 

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: THÀNH LÂN
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: THÀNH LÂN

Chủ trì và phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn đề nghị các cấp, ngành tập trung nghiên cứu đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để sớm đưa đề án đi vào thực tế.

Đồng thời phát huy những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông của thành phố trong việc phát triển dịch vụ logistics xứng tầm là trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là cửa ngõ hướng ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, với tiềm năng trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu trong việc kết nối các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Logistics đã được Đảng và Nhà nước xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Do đó, để triển khai thực hiện, các sở, ban, ngành của thành phố cần đẩy mạnh vai trò tham mưu, kết hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh các thủ tục một cách sớm nhất có thể và đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp hợp lý.

Đơn vị tư vấn báo cáo đề án. Ảnh: THÀNH LÂN
Đơn vị tư vấn báo cáo đề án. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo đơn vị tư vấn, Đà Nẵng nằm trên những tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế trọng yếu, có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi và là một trong những cửa ngõ hướng ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đây là cơ hội cho Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển và trung tâm logistics lớn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, của cả nước và quốc tế.

Vì vậy, để phát huy tối đa lợi thế vị trí chiến lược của Đà Nẵng, cũng như tăng cường kết nối để đưa Đà Nẵng trở thành đầu mối logistics trong khu vực Đông Nam Á, việc cần thiết xây dựng đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trong điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” là hợp lý.

Đề án đúng định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

Đại diện đơn vị tư vấn cũng phân tích những bất cập, khó khăn đối với điều kiện kết cấu hạ tầng và hoạt động logistics trên địa bàn thành phố; qua đó đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển hệ thống dịch vụ logistics cho Đà Nẵng, phương án quy hoạch, tiêu chí thành lập các trung tâm logistics...

Đơn vị tư vấn cũng đề nghị, bên cạnh các giải pháp, cơ chế, chính sách do thành phố Đà Nẵng chủ động triển khai, cũng rất cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

UBND thành phố cần kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam triển khai một số nội dung.

Cụ thể như: đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2021-2025 để hình thành tuyến đường cao tốc kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu Lao Bảo; triển khai nghiên cứu đầu tư mới, nâng cấp các tuyến đường bộ kết nối các cửa khẩu (quốc lộ 14B, quốc lộ 14D... khác trên hành lang kinh tế Đông - Tây (cửa khẩu La Lay, cửa khẩu Nam Giang) để mở rộng phạm vi hấp dẫn của cảng biển trong khu vực.

Xây dựng cơ chế phối hợp liên vùng để phân công nhiệm vụ, chức năng của các tỉnh, thành phố trên hành lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics; trong đó phân công chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương trên cơ sở phù hợp với điều kiện và lợi thế cạnh tranh...

Buổi làm việc cũng nghe các đề xuất, kiến nghị của các sở, ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp logistics...

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.