Sau thời gian cho tàu nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao kéo theo chi phí sản xuất tăng, đến nay, khi giá xăng dầu hạ nhiệt, nhiều ngư dân trên địa bàn thành phố đã trở lại vươn khơi bám biển, khai thác, đánh bắt thủy sản, bảo đảm nguồn cung trên địa bàn.
Giá xăng dầu giảm, nhiều ngư dân trên địa bàn thành phố đã trở lại vươn khơi bám biển, bảo đảm nguồn cung thủy sản trên địa bàn. TRONG ẢNH: Ngư dân phân loại cá trên một tàu neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Ngư dân phấn khởi
Thời gian gần đây, tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, không khí buôn bán nhộn nhịp, tấp nập trở lại khi nhiều tàu cá vươn khơi, cập bến. Thời điểm này đang vào vụ cá nam (vụ khai thác chính trong năm), thời tiết cũng thuận lợi, đặc biệt giá xăng dầu giảm mạnh nên ngư dân phấn khởi chuẩn bị vươn khơi.
Ông Nguyễn Văn Nam, chủ tàu cá QNg 98894TS (trú thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, khi giá xăng dầu tăng cao, việc đánh bắt gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khiến ngư dân sau khi ra khơi không còn lợi nhuận, nhiều chuyến bị lỗ nặng. Mỗi chuyến, tàu hành nghề lưới vây của ông đi từ 4-5 ngày, tiêu hao 800-1.000 lít dầu. Việc giá dầu giảm tạo điều kiện thuận lợi cho ông cùng nhiều ngư dân khác vươn khơi bám biển.
“Giá nhiên liệu chiếm 60-70% tổng chi phí đi biển nên khi xăng dầu giảm giá, chúng tôi mừng lắm. Mấy đợt gần đây, chúng tôi trúng các luồng cá nục. Trong chuyến đánh bắt vừa rồi, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi lãi được hơn 30 triệu đồng”, ông Nam chia sẻ.
Vừa trở về sau chuyến đánh bắt xa bờ, ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tàu cá ĐNa 90163TS (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho hay, đợt này, tàu của ông đánh bắt được một số loại cá có giá trị. Trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nhưng ông cùng nhiều thuyền viên khác vẫn cố gắng vươn khơi bám biển. Đa phần các chuyến biển của ông đều hòa và lỗ vốn, không có lợi nhuận do nhiều nguyên nhân như: sản lượng khai thác ít, giá cá không cao… Việc giá nhiên liệu “hạ nhiệt” giúp ông Hùng giảm được vài chục triệu đồng chi phí phát sinh lúc cao điểm của giá xăng dầu.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Sơn (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đang kiểm tra lại ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi tiếp theo. Ông Sơn cho hay, thời điểm giá xăng dầu tăng cao, tàu của ông buộc phải nằm bờ. Từ cuối tháng 6 đến nay, giá xăng dầu đã giảm 5 lần, tạo động lực cho ông cùng nhiều ngư dân trên địa bàn phấn khởi ra khơi khai thác vụ cá nam.
“Nghề mưu sinh của ngư dân là đi biển mà để tàu thuyền nằm bờ thì không được. Giờ giá xăng dầu giảm, ngư dân phấn khởi nhưng cũng lo vì giá có thể tăng trở lại. Mong Nhà nước và thành phố tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt”, ông Sơn phân trần.
Cần thêm chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi
Ông Nguyễn Lại, Phó Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, tính từ ngày 10 đến 18-8, có 850 lượt tàu thuyền cập và rời cảng đánh bắt; trung bình mỗi ngày có 50 chiếc cập cảng, 32 chiếc rời cảng. Sản lượng hải sản qua cảng đạt hơn 1.800 tấn.
Hiện chỉ còn 312 chiếc tàu của ngư dân các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định… neo đậu trong âu thuyền. Để tạo thuận lợi cho các tàu khai thác hiệu quả, ban quản lý luôn giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho tàu khi cập và rời cảng; đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở cung ứng vật tư như xăng dầu, đá, nước ngọt… và các đơn vị vận chuyển có không gian thuận lợi để cung cấp cho các tàu trước khi ra khơi. Ban quản lý luôn bố trí không gian hợp lý cho các tàu khi vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang.
Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho rằng, thời điểm năm ngoái, giá dầu ở mức khoảng 16.000 đồng/lít. Đến nay, giá xăng, dầu đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Mặt khác, giá cả của một số loại hàng hóa tăng theo “bão giá” xăng dầu vẫn không giảm cùng với nhiều nguyên nhân khiến bà con ngư dân có tâm lý e dè, sợ lỗ khi vươn khơi. Trước những rủi ro của nghề đi biển, các cấp quản lý cần có những chính sách, giải pháp thực tiễn và phù hợp để hỗ trợ ngư dân.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố nhận định, giá xăng dầu giảm là tín hiệu vui, giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi. Tuy nhiên, rủi ro cao của nghề đánh bắt hải sản và hoạt động khai thác không hiệu quả khiến người lao động, thậm chí chủ tàu có xu hướng chuyển đổi ngành nghề.
Mặt khác, một số chính sách hiện nay chưa phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn của ngư dân, dẫn đến việc tiếp cận và triển khai chính sách chưa đạt hiệu quả, gây ảnh hưởng đến ngư dân như Nghị định số 67/2014/NĐ-CP… Vì vậy, Trung ương, thành phố cần có những chính sách phù hợp và sát thực tiễn hơn, hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản, tính đến tháng 8-2022, thành phố có 1.222 tàu cá, trong đó: tàu cá có chiều dài dưới 12m là 325 chiếc khai thác ở ven bờ; tàu cá có chiều dài 12-15m là 320 chiếc, khai thác ở vùng lộng; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 577 chiếc, tập trung khai thác ở vùng khơi. Để hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản hiệu quả, thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách của Trung ương và địa phương, cụ thể như: hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá khai thác xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP, Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND; chính sách về hỗ trợ giảm phương tiện khai thác ven bờ theo Quyết định số 4991/QĐ-UBND ngày 26-7-2016 của UBND thành phố… Riêng về chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, thiết bị giám sát hành trình và máy, trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm và khai thác thủy sản (theo Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 của HĐND thành phố về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025), từ năm 2019 đến nay, UBND thành phố đã hỗ trợ hơn 22,34 tỷ đồng cho 930 lượt tàu cá của 817 chủ tàu. |
VĂN HOÀNG