Nhằm cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng từng bước phát triển theo chiều sâu, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp về huy động và sử dụng vốn, nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ sản xuất, chính sách về thị trường, cơ cấu lại ngay từ khâu thu hút đầu tư…
Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất U&I Phương Quân (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp
Báo cáo về tình hình phát triển ngành công nghiệp thành phố giai đoạn 2011-2020 và định hướng thời gian tới của Sở Công Thương cho thấy, thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp đạt 12%, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt trên 9,5%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt 14,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế thành phố đến năm 2025 đạt 24-26%; năm 2030 đạt 25-27%.
Trong đó, tỷ trọng công nghiệp duy trì ở mức 19-21% trong cả giai đoạn 2021-2030; tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp thời kỳ 2021-2025 đạt 8%/năm; thời kỳ 2026-2030 đạt trên 9%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành sử dụng kỹ thuật - công nghệ trung và cao, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao bao gồm các ngành: điện tử; thiết bị điện; cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị; sản xuất ô-tô, phương tiện vận tải; sản xuất dược phẩm.
Tỷ trọng các ngành này trong cơ cấu VA toàn ngành công nghiệp chế biến đến năm 2025 chiếm trên 33%, đến năm 2030 chiếm gần 50%; đến năm 2030, giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 40% trong cơ cấu VA ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố; hình thành và phát triển các doanh nghiệp trung tâm (doanh nghiệp nòng cốt) nội địa…
Để đạt được mục tiêu đặt ra, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thành phố tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và chính sách, trong đó liên quan đến vấn đề về đất đai, áp dụng linh hoạt, phù hợp các hình thức cho thuê đất, giao đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu về mặt bằng cho sản xuất; khuyến khích và có chính sách giao đất hoặc ưu đãi để doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân; bảo đảm thời gian cho thuê đất ít nhất là 20 năm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất. Liên quan đến chính sách về huy động và sử dụng vốn, thành phố tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trên cơ sở phát huy các nguồn nội lực; đồng thời tạo mọi điều kiện để tranh thủ khai thác các yếu tố, nguồn vốn từ bên ngoài; khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là các đơn vị có tiềm lực tài chính tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn kinh phí từ quỹ khuyến công quốc gia và nguồn kinh phí xúc tiến thương mại, xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực cho từng giai đoạn; trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ về đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Thành phố tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư theo hướng thu hút các tập đoàn lớn có tiềm lực về vốn, công nghệ, thương hiệu, đóng góp nhiều vào ngân sách...
Đối với giải pháp về nguồn nhân lực, thành phố khuyến khích xã hội hóa công tác đào tạo nghề, liên kết với nước ngoài trong đầu tư các cơ sở đào tạo nghề, nhất là các nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao; liên kết với các địa phương khác để tạo ra nguồn lao động ổn định cho các doanh nghiệp; chú trọng đào tạo “đón đầu” các dự án, đặc biệt là các dự án yêu cầu số luợng lao động lớn, kỹ thuật cao.
Ngoài ra, thành phố, ngành công thương cùng các ngành chức năng còn phối hợp đồng bộ để triển khai các giải pháp và chính sách về khoa học và công nghệ; thị trường; giải pháp bảo vệ môi trường với việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp. Thành phố cũng tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với ngành công nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản các quy trình, thủ tục, tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu
Cùng với nỗ lực của các cấp, ngành, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp chủ động thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp, đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô dự án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện kế hoạch phát triển trong dài hạn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao cũng như khắt khe của chuỗi cung ứng. Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, đã có 18 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 17,3 triệu USD. Trước đó, năm 2021 có 18 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn điều chỉnh tăng thêm là 30,1 triệu USD. Điều này cho thấy tính hiệu quả, ổn định và chiến lược phát triển lâu dài trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết, doanh nghiệp vừa đưa vào hoạt động nhà máy mở rộng có diện tích 40.000m2 với sức chứa khoảng 1.700 công nhân nhằm đáp ứng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp trong 10 năm tới, đáp ứng đơn hàng ngày càng tăng mạnh từ các thị trường quốc tế như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Australia, Pháp, Đức, New Zealand, Nga... Hiện nay, hai nhà máy cũ của công ty có quy mô 80.000m2 với số lượng công nhân 4.000 người, sản lượng trung bình đạt 3 triệu sản phẩm/năm. Ông Phan Duy Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất U&I Phương Quân (Khu công nghiệp Hòa Khánh) chia sẻ, trong nhiều năm, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu để cho ra những sản phẩm mới, vừa đáp ứng nhu cầu của đối tác vừa có tính dự báo thị trường. Từ chỗ tự sản xuất chi tiết trong lĩnh vực phụ trợ cho ngành cơ điện tử, nay doanh nghiệp đã tiến đến sản xuất được sản phẩm hoàn chỉnh. Đây là bước tiến mới quan trọng đối với công ty trong quá trình phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần tăng cường tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, quay nhanh dòng vốn để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chủ động xây dựng, sắp xếp bộ máy gọn nhẹ, hợp lý, hiệu quả, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; chủ động xây dựng chiến lược phát triển thị trường... để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phát triển.
KHÁNH HÒA