Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thương mại, dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố.
Thương mại - dịch vụ là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của thành phố. TRONG ẢNH: Người dân mua hàng tại siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG - Đồ Họa: THANH HUYỀN |
Nỗ lực xứng tầm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Đầu tháng 8, thành phố Đà Nẵng được Bộ Công Thương lựa chọn là địa phương tổ chức Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022 (Hội chợ EWEC 2022) trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Sau 1 năm bị gián đoạn bởi Covid-19, hội chợ được tổ chức trở lại thu hút hơn 235 đơn vị tham gia với hơn 419 gian hàng đến từ 40 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước và 8 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Lào. Sau 6 ngày mở cửa, hội chợ thu hút gần 60.000 lượt khách tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí; doanh số bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp ước đạt hơn 41 tỷ đồng.
Để có được sự tin tưởng, ghi nhận từ Trung ương cũng như các địa phương của các nước thuộc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, các nước tiểu vùng sông Mê Kông... là nhờ sự nỗ lực không ngừng của thành phố những năm qua.
Qua 25 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố được đầu tư tương đối đồng bộ và toàn diện, từ sân bay quốc tế, đến cảng biển, đường sắt, đường cao tốc, tuyến quốc lộ…
Đặc biệt, thành phố đang báo cáo các bộ, ngành để trình Chính phủ Đề án Trung tâm tài chính quy mô khu vực và xây dựng Đề án thành lập Khu phi thuế quan. Hệ thống hạ tầng thương mại được đầu tư hiện đại với các trung tâm thương mại như: Vincom, Vĩnh Trung Plaza, Indochina…, 71 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, cùng hơn 400 cửa hàng tiện lợi, tự chọn, 9.300 cửa hàng, quầy hàng bán lẻ, hộ kinh doanh độc lập, 10 tuyến phố chuyên doanh và 1 trung tâm hội chợ triển lãm mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế. Hệ thống chợ được quy hoạch, nâng cấp và xây dựng mới cả ở khu vực thành thị và nông thôn (hiện có 74 chợ các loại, trong đó có 8 chợ hạng 1).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của thành phố tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021 (xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, xếp thứ 2 về quy mô và tốc độ tăng GRDP trong khối 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (sau tỉnh Quảng Nam).
Riêng lĩnh vực thương mại tiếp tục có sự phát triển, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của thành phố đạt 59.385 tỷ đồng, tăng 4,6% so cùng kỳ 2020; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,79 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm trước. Qua 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 60.996 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Khách tham quan, mua sắm tại Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022.Ảnh: QUỲNH TRANG |
Tạo bước đột phá để phát triển
Mặc dù đã có những bước phát triển đáng kể trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại nhưng thực tế, hoạt động thương mại vẫn chưa thực hiện được mục tiêu tăng trưởng bứt phá để đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ghi nhận cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị trong cộng đồng doanh nghiệp còn yếu; sự phát triển của hạ tầng bán buôn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của thị trường; chưa có nhiều trung tâm thương mại quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế... Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ kinh tế ban đêm còn hạn chế, chưa có tổ hợp giải trí ban đêm quy mô, riêng biệt với khu dân cư; quy mô các dự án phục vụ kinh tế đêm còn nhỏ lẻ.
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm thương mại của cả nước; phát triển ngành thương mại thành phố theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, thành phố cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại theo định hướng.
Cụ thể, ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển hệ thống hạ tầng logistics, kho dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ cho xuất khẩu và hàng hóa nội địa; xây dựng, nâng cấp lại các chợ theo quy hoạch; phát triển các khu phố chuyên doanh và trung tâm mua sắm phục vụ du lịch... Ngoài ra, phát huy vai trò và tính chủ động của các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối.
“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thương mại - dịch vụ luôn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố. Nếu thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, cùng với những điều kiện, lợi thế của thành phố, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp thì Đà Nẵng sẽ tập trung khai thác, phát huy các nguồn lực để phát triển ngành thương mại một cách bền vững, hiệu quả; là trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo hướng ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, góp phần thu hút khách và giữ gìn hình ảnh của thành phố đối với du khách và bạn bè quốc tế”, bà Lê Thị Kim Phương cho biết.
QUỲNH TRANG