Ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP

.

Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của thành phố phát triển nhanh về số lượng cũng như quy mô sản phẩm. Về lâu dài, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý cần hoàn thiện, quản lý theo hệ thống cơ sở dữ liệu, tạo kênh quảng bá, tiêu thụ hiệu quả, vừa giúp minh bạch, quản lý thông tin, tránh đứt gãy về thông tin, dữ liệu của sản phẩm.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo Dr. Trung của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed (quận Cẩm Lệ) đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch từ khi ra thị trường. Ảnh: QUỲNH TRANG
Sản phẩm đông trùng hạ thảo Dr. Trung của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed (quận Cẩm Lệ) đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch từ khi ra thị trường. Ảnh: QUỲNH TRANG

Là đơn vị khởi nghiệp với sản phẩm đông trùng hạ thảo, ngay khi sản phẩm ra thị trường, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) chủ động thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Dr. Trung cho nhóm các sản phẩm của công ty; đồng thời đăng ký mã số mã vạch cho từng sản phẩm với Trung tâm mã số mã vạch quốc gia. Hiện tất cả các sản phẩm của công ty đều được in mã QR dẫn đến website chính thức của công ty và zalo OA (Zalo Official Account) để khách hàng có thể truy cập nhanh, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Thiện Khiêm, Phó Giám đốc công ty, chia sẻ: “Chúng tôi bán hàng chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, vì vậy, việc chuyển đổi số là cần phải có và là lẽ đương nhiên trong thời đại bán hàng 4.0. Mặt khác, vì bán hàng đa kênh nên cần thiết số hóa để đồng bộ và quản lý sản phẩm trên cùng một nền tảng, giúp công ty vận hành tối ưu và nhất quán”.

Tương tự, sản phẩm rau ăn lá và dưa lưới của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao AFARM (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) đạt chứng nhận OCOP 4 sao và được đánh giá cao bởi được đóng gói trong màng bao gói khí quyển biến đổi (màng MAP), dán nhãn và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Theo ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc công ty, ngay từ những ngày đầu thành lập, công ty đã ứng dụng hệ thống quản lý Erp để quản trị tổng thể doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng đến quản lý nguyên liệu đầu vào và quản lý sản xuất, từ đó, áp dụng vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

“Chúng tôi có hệ thống truy xuất nguồn gốc riêng biệt, bảo đảm đúng quy trình và in được ra tem QR code để truy xuất nguồn gốc một cách nhanh chóng. Cụ thể, hằng ngày, khi xuất kho bán 1 lô hàng sản phẩm nào sẽ có bộ phận nhập trên hệ thống, dữ liệu được truy xuất tự động theo mã lô, nguyên liệu, giống, nơi trồng, nơi đóng gói… và tiến hành in tem để nhân viên đóng gói dán lên bao bì trước khi đưa sản phẩm ra khỏi trang trại”, ông Phương giải thích.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, sở đã hỗ trợ 100% chi phí cho 220 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử như: xây dựng website thương mại điện tử, trang hồ sơ năng lực trực tuyến (Portfolio), giải pháp SEO qua Landing Pages, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tham gia sàn thương mại điện tử (Alibaba, Lazada, Sendo); hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh xúc tiến bán hàng trực tuyến bằng các giải pháp tiếp thị đa kênh…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban đánh giá: “Cơ bản các sản phẩm OCOP đã đăng ký nhãn hiệu, đăng ký mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở đang tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP, trong đó có nghiên cứu, rà soát chuẩn hóa sản phẩm về nhãn hiệu, bao bì, mã vạch để bảo đảm điều kiện đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; đồng thời từng bước nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm OCOP để triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.

Chương trình OCOP được triển khai đã phát huy nội lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là hỗ trợ các chủ thể OCOP (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất kinh doanh) hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ. Qua 2 năm thực hiện (2020-2021), thành phố đã có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao. Số chủ thể tham gia là 34, trong đó có 9 doanh nghiệp (chiếm 26,47%), 5 hợp tác xã (chiếm 14,71%), 20 hộ kinh doanh (chiếm 58,82%).

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.