Nghĩ về chợ 4.0

.

“Chị ơi, cân cho em 1kg cá phèn, em chuyển khoản chị nhé”. “Cảm ơn em, chị nhận được rồi”. Hay “Chị ơi, cho em mấy nghìn hành, ngò, thêm bó rau muống đi chị. Mà chị có tiền thối không ạ, vì em chỉ có tờ 500.000 đồng thôi”. “Ôi, tiền lớn quá, em mua hết 20.000 đồng thôi, em chuyển khoản cho chị nhé”... Rời khỏi hàng cá, thịt mà không phải cầm tiền thừa ướt đẫm, bám mùi tanh; người bán - người mua không phải nháo nhác đi đổi tiền lẻ… là hình ảnh dễ thấy ở chợ truyền thống trên địa bàn hiện nay.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 8 chợ (chợ Cồn, Hàn, Đống Đa, An Hải Bắc, Bắc Mỹ An, Cẩm Lệ, Hòa Khánh, Túy Loan) áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt. Với mô hình chợ 4.0, các tiểu thương và người dân có thể mua bán mọi mặt hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.

Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tại Đà Nẵng (Viettel Đà Nẵng) đã xây dựng các điểm nạp/rút trong chợ và xung quanh chợ; trang bị mã VietQR cho hơn 1.700 tiểu thương tại 8 chợ, kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử tạo tài khoản Viettel Money để hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến.

Theo báo cáo của Viettel Đà Nẵng (đơn vị triển khai ứng dụng chợ 4.0), sau 6 tháng triển khai thanh toán không tiền mặt tại các chợ, có 97% tiểu thương thường xuyên có hoạt động giao dịch thanh toán điện tử. Kết quả này cho thấy, việc đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong nữ giới mà trước hết là các bà nội trợ và chị em tiểu thương bước đầu đạt kết quả tích cực.

Bởi phụ nữ chiếm hơn một nửa trong xã hội, phần lớn lại giữ vai trò “tay hòm chìa khóa” của gia đình. Một khi người bán lẫn người mua quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt, việc áp dụng cho các chợ còn lại sẽ thuận lợi, dễ dàng. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Viettel Đà Nẵng sẽ triển khai mô hình chợ 4.0 tại 30 chợ truyền thống trên địa bàn.

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thông tin, Đà Nẵng thuộc top 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử năm 2021 (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Với tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, tỷ lệ: 276 máy/100 dân; điện thoại thông minh: 105 máy/100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP của thành phố, đến năm 2030 đạt 30%.

Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% (đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%, riêng ngành du lịch và tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử đạt tối thiểu 30%); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt hơn 80% (đến năm 2030 đạt 100%).

Mô hình chợ 4.0 là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, tiêu biểu cho lối tiêu dùng thông minh, giúp nâng cao tính chính xác, thuận tiện và nhanh chóng trong từng giao dịch. Hơn thế nữa, nó còn tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

Để chợ 4.0 sớm hình thành, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt - nhất là vấn đề an toàn thông tin, bảo mật của dịch vụ tài chính số để người dùng yên tâm, cởi mở hơn với các ứng dụng hỗ trợ thanh toán.

Bên cạnh đó, muốn thay đổi thói quen “cầm tiền đi mua sắm”, cần xây dựng, triển khai một chương trình giáo dục cộng đồng về thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời thiết lập nhiều điểm thanh toán không tiền mặt không chỉ ở chợ mà còn ở các cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ nhằm thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt, rộng mở cánh cửa giao thương, góp phần chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.