Sẵn sàng phương án hàng hóa cho mùa mưa bão

.

Mùa mưa bão năm nay, các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích cực chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng; đồng thời tuyên truyền đến người kinh doanh nhằm không để xảy ra hiện tượng tăng giá.

Nguồn hàng dự trữ cho mùa mưa bão năm 2022 khá dồi dào. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: QUỲNH TRANG
Nguồn hàng dự trữ cho mùa mưa bão năm 2022 khá dồi dào. TRONG ẢNH: Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: QUỲNH TRANG

Chủ động phương án

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Ngay từ đầu năm, ngành công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trong đó, phối hợp các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn khảo sát nhu cầu tiêu dùng của mỗi địa phương, xác định những địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi bão lụt… để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa phù hợp, bảo đảm đúng đối tượng và khu vực cần thiết. Đến thời điểm này, nguồn hàng dự trữ cho mùa mưa bão năm 2022 đã sẵn sàng để cung ứng kịp thời cho các vùng bị thiên tai, lũ lụt.

Thành phố hiện có 8 trung tâm thương mại; 105 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, chuỗi siêu thị; 74 chợ truyền thống. Ngoài ra, còn có hơn 400 cửa hàng tiện lợi, tự chọn được phân bổ tương đối đồng đều, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Nhìn chung, mạng lưới phân phối hàng hóa thông qua các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống ở các phường/xã của thành phố được phân bố tương đối đồng đều, tỷ trọng phân phối hàng hóa tiêu dùng qua các kênh chiếm khoảng 70-90%.

Các đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm lớn trên địa bàn như: Co.opmart Đà Nẵng, Co.opmart Sơn Trà, MM Mega Market Đà Nẵng, Lotte Mart, Winmart, Go! Đà Nẵng… đã tham gia cung cấp kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống thiên tai năm 2022. Nguồn hàng phong phú, dồi dào với tổng lượng hàng hóa lương thực thực phẩm dự trữ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn đạt khoảng 82,4 tỷ đồng, gồm 56.270 thùng mì ăn liền, 22.344 thùng lương khô, 2.714 tấn gạo, nếp các loại, 41.527 thùng nước đóng chai và 833,789 tấn lương thực thực phẩm khác.

Ngoài ra, lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ hằng ngày tại 4 chợ thuộc quản lý của Sở Công Thương ước khoảng 700 triệu đồng, trong đó hàng hóa được lưu chuyển về các chợ thường xuyên theo chu kỳ 2-3 ngày một lần.

Khách mua hàng tại Lotte mart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Khách mua hàng tại Lotte mart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Doanh nghiệp chung tay

Nhìn nhận về những diễn biến của thị trường cũng như công tác chuẩn bị, ứng phó với mùa mưa bão, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, những chính sách giảm giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục thời gian qua đã tác động tích cực đến việc bình ổn thị trường, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân hầu như không có đột biến.

Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung ứng cho các vùng bị cô lập, chia cắt khi thiên tai, bão lũ xảy ra, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng bình thường trong mọi tình huống.

Đồng thời nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hóa do thiên tai bão lũ để tăng giá quá mức nhằm thu lợi bất chính. Trong đó, 3 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng nhiên liệu trên địa bàn là Công ty Xăng dầu Quân đội Khu vực 2, Công ty Xăng dầu Khu vực V - TNHH MTV, Công ty TNHH TM&DV Hòa Khánh đã chủ động cung cấp kế hoạch dự trữ nhiên liệu phục vụ phòng chống thiên tai trong năm 2022 với giá trị gần 397,2 tỷ đồng, gồm 7.760m3 xăng các loại, 15.260m3 dầu diesel. Các mặt hàng được dự trữ thường xuyên từ nay đến tháng 12-2022.

Theo Sở Công Thương, khả năng huy động gạo ứng phó trong thời điểm xảy ra thiên tai trên địa bàn thành phố là khoảng 2.500 tấn các loại. Trong tình huống cứu trợ khẩn cấp, sở sẽ đề nghị huy động nguồn gạo dự trữ từ các doanh nghiệp trên địa bàn với tổng số lượng dự kiến khoảng 165 tấn; khối lượng gạo trên đủ cho người dân ở khu vực xảy ra thiên tai, chia cắt (120.000 người) trong thời gian 3-5 ngày (vì bên cạnh đó còn một số loại thực phẩm khô khác).

Trường hợp thời tiết diễn ra phức tạp, chia cắt kéo dài hơn so với thời gian dự trữ, Sở Công Thương sẽ đề xuất UBND thành phố kêu gọi, vận động doanh nghiệp có năng lực dự trữ, phân phối mặt hàng gạo làm đầu mối thu mua thêm gạo cứu trợ. Thời gian huy động nguồn gạo từ các vựa lúa ở miền Nam là 2 ngày, do đó, ngay khi có thông tin dự báo về tình hình bão lũ, nguồn gạo bổ sung hoàn toàn kịp thời đến được với người dân.

Với sự chủ động của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, đại lý…, các loại hàng hóa thiết yếu được cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phòng, chống thiên tai có hiệu quả.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.