Thị trường nông sản tuần qua: Đà giảm của giá lúa chững lại

.

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chững lại đà giảm, hầu hết được duy trì ổn định.

Thu hoạch lúa ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
Thu hoạch lúa ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg. Riêng OM 4218 tăng 100 đồng/kg, lên 6.300 đồng/kg.

Giá lúa tại Hậu Giang lại có sự tăng giảm tùy loại, điển hình lúa OM 18 giảm 100 đồng/kg còn 6.600 đồng/kg, RVT thì lại tăng 100 đồng/kg lên 8.200 đồng/kg.

Giá lúa tại Sóc Trăng vẫn duy trì ổn định với Đài Thơm 8 là 6.600 đồng/kg; OM 4900 còn 6.700 đồng/kg. Riêng ST 24 giảm 200 đồng/kg, còn 8.000 đồng/kg.

Tại Đồng Tháp, lúa IR 50404 vẫn giữ ở mức 6.300 đồng/kg; OM6976 là 6.500 đồng/kg.

Riêng lúa ở Tiền Giang có sự tăng giá ở IR 50404 tăng 200 đồng/kg lên 6.900 đồng/kg; còn OC 10 cũng tăng với mức tương tự lên 6.500 đồng/kg.

Tại Bến Tre, giá lúa hầu hết không có sự biến động như: ST là 6.900 đồng/kg; IR 50404 là 5.650 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa tại An Giang hầu hết có sự ổn định so với tuần trước, như lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 - 5.700 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, lúa OM 5451 từ 5.400 - 5.500 đồng/kg, OM 18 từ 5.600 - 5.800 đồng/kg. Riêng giá IR 50404 ở mức từ 5.300 - 5.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, thực hành sản xuất an toàn gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm, nhiều địa phương đã quan tâm tới mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Điển hình như Đồng Tháp đã cấp mã số vùng trồng lúa là 52.777ha. Tỉnh này phấn đấu năm 2025 sẽ cấp mã số vùng trồng lúa đạt 100% diện tích.

Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ, từ năm 2018 - 2022, dự án Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường đã giúp nông dân giảm tới 40% lượng nước sử dụng và tới 15% lượng phân bón.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung và lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025; trong đó có thí điểm phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo tại hai tỉnh là An Giang và Kiên Giang với diện tích khoảng 50.000 ha.

Trong khi thị trường lúa trong nước chưa có khởi sắc trở lại thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ neo gần mức cao nhất của một năm rưỡi trong tuần này trong bối cảnh các nhà giao dịch phải vật lộn với tình trạng tắc nghẽn tại các cảng do lệnh hạn chế xuất khẩu ra nước ngoài gần đây, trong khi các khách hàng săn lùng nguồn cung rẻ hơn từ các “vựa lúa” khác.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giao dịch ở mức từ 385- 392 USD/tấn không đổi so với tuần trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 4-2021.

Một nhà xuất khẩu từ Kakinada ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ cho biết một số khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn, song phần lớn đang chờ giá ổn định.

Ước tính có khoảng gần 1 triệu tấn ngũ cốc đang bị ứ đọng tại các cảng của Ấn Độ do không thể xuất khẩu bởi nhiều khách từ chối trả mức thuế xuất khẩu 20% mới của chính phủ so với giá hợp đồng đã thỏa thuận. Các lệnh hạn chế cũng khiến khách hàng tìm tới các nhà cung cấp đối thủ.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức từ 400 - 410 USD/tấn.

Các nhà giao dịch cho biết giá gạo trong nước đã tăng gần đây trong bối cảnh các nhà xuất khẩu tăng cường thu mua từ nông dân, dự đoán giá gạo xuất khẩu sẽ cao hơn.

Một thương nhân tại TP. Hồ Chí Minh cho hay nguồn cung trong nước đang cạn kiệt vì vụ thu hoạch Hè Thu đã kết thúc và phải đợi ít nhất hai tháng nước trước khi vụ thu hoạch khác bắt đầu.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giao dịch ở mức lên 420 - 435 USD/tấn so với mức từ 425 - 435 trong tuần trước giữa bối cảnh đồng baht suy yếu.

Một thương nhân tại Bangkok cho biết có thể có một số nhu cầu từ Nhật Bản do hoạt động mua gạo được sử dụng để lên men làm rượu sake. Một nhà giao dịch khác cho biết các nước Nam Á có nhu cầu nhập khấu lớn do tình hình thiên tai ở Bangladesh và Pakistan.

Bangladesh đã cho phép các thương nhân tư nhân nhập khẩu thêm 80.000 tấn gạo trong nỗ lực hạ nhiệt giá mặt hàng chủ lực trong nước.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 23-9, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đồng loạt giảm, dẫn đầu là lúa mỳ.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 giảm 11,5 xu Mỹ (1,67%) xuống 6,7675 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11-2022 giảm 31,25 xu Mỹ (2,14%) xuống 14,2575 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 12-2022 giảm 30,24 xu Mỹ (3,32%) xuống 8,805 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá nông sản kỳ hạn trên sàn CBOT giảm mạnh do đồng USD tăng vọt, cùng với các thị trường tài chính và năng lượng suy yếu. Sự suy yếu kinh tế vĩ mô đang bắt đầu tràn sang các thị trường nông sản, thể hiện ở tốc độ xuất khẩu ngũ cốc Mỹ.

Triển vọng kinh tế đang khá bấp bênh. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự đoán mức hỗ trợ ban đầu cho đậu tương giao tháng 11-2022 là 14,20 USD/bushel và 6,65 USD/bushel đối với hợp đồng ngô giao tháng 12-2022.

Chỉ số đồng USD đã tăng lên mức cao mới trong 20 năm, điều này đã kéo tiền tệ ở các nước nhập khẩu như Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức thấp kỷ lục.

Trên thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London đảo chiều giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 11-2022 giảm 6 USD, xuống 2.232 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 1-2023 giảm 6 USD xuống 2.219 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 12-2022 giảm 3,10 xu Mỹ xuống 220,45 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 3-2023 giảm 3,25 xu Mỹ, còn 214,10 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 0 - 100 đồng, xuống dao động trong khung 47.700 - 48.200 đồng/kg.

Hầu hết các thị trường đã phản ứng tiêu cực sau quyết định nâng lãi suất cơ bản của hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Chỉ số đồng USD tiếp tục tăng lên mức cao 20 năm đã khiến các tiền tệ mới nổi bị mất giá, làm cho hầu hết các thị trường hàng hóa ngập chìm trong sắc đỏ, phản ánh khả năng suy thoái toàn cầu đã cận kề, dẫn đầu là châu Âu và Mỹ khiến lo ngại rủi ro càng tăng cao hơn nữa.

Giá cà phê quay đầu sụt giảm trên cả hai thị trường kỳ hạn do thiếu vắng nhà đầu cơ vì lãi suất vốn vay tăng cao. Trong khi đó, sức bán ra từ Brazil không hề nhỏ sau thu hoạch vụ mùa năm nay gần như hoàn tất, nhà nông đang cần thêm không gian để dự trữ cà phê vụ mới. Tỷ giá đồng real giảm thêm 2,64% xuống ở mức 1 USD đổi 5,2480 real góp phần khuyến khích người Brazil đẩy mạnh bán cà phê theo phương thức giao sau.

Theo các nhà quan sát, giá cà phê kỳ hạn hiện tại không phản ánh giá cả thực tế trên thị trường cà phê thế giới mà chỉ là nơi được dùng để luân chuyển dòng vốn đầu cơ của các Quỹ hàng hóa lớn cũng như của các giới đầu cơ nhỏ lẻ nói chung.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.