Phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công

.

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu được thụ hưởng nguồn vốn khuyến công để đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là khối kinh tế tư nhân.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Liên Chiểu đã tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công để đầu tư đổi mới, trang bị máy móc, phục vụ sản xuất, kinh doanh.  Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Khả Tâm. Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Liên Chiểu đã tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công để đầu tư đổi mới, trang bị máy móc, phục vụ sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Khả Tâm. Ảnh: KHÁNH HÒA

Đưa chính sách vào cuộc sống

Được thụ hưởng nguồn vốn khuyến công quốc gia với tổng số tiền 500 triệu đồng, cộng nguồn kinh phí tự bỏ ra, Công ty TNHH Khả Tâm (quận Liên Chiểu) đầu tư dây chuyền cắt laser tự động. Nhờ đó, sản lượng tăng lên gấp nhiều lần, sản phẩm đạt độ tinh xảo, chi phí nhân công trực tiếp giảm 1/2 (từ 60 người xuống còn 30 người); đồng thời, hạn chế được bụi gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động.

Hiện các sản phẩm ống gió, phụ kiện phục vụ ngành điện lạnh, công trình xây dựng của Công ty TNHH Khả Tâm ngoài cung ứng ra thị trường cả nước còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia với khoảng 5.000 tấn tôn nguyên liệu/năm. Sau thời gian dài phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh, đến nay, hoạt động của công ty đã khôi phục 60-70%.

Chia sẻ về nguồn vốn khuyến công đang thụ hưởng, ông Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc công ty, cho biết thông qua các chương trình, hội thảo do Sở Công Thương tổ chức, công ty có cơ hội tiếp cận, nhận nguồn hỗ trợ. “Chúng tôi tiếp nhận 500 triệu đồng vốn khuyến công quốc gia ngay sau thời điểm dịch bệnh kéo dài trong hai năm 2020, 2021. Nguồn vốn về đúng lúc doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên càng ý nghĩa”, ông Phạm Văn Bình nói.

Tương tự, sau hai lần nhận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia với tổng số tiền 300 triệu đồng, cùng với nội lực sẵn có, Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế đầu tư mua sắm mới hệ thống máy chặt thủy lực định hình và máy nén ép để tạo độ dính, độ bền cho sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc công ty, nguồn vốn khuyến công tiếp sức kịp thời cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhằm đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Các đơn vị chức năng, cụ thể là Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) rất tích cực trong suốt quá trình hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, lập đề án tiếp cận thuận lợi nguồn kinh phí này. Thời gian qua, sau khi đầu tư nâng cấp công nghệ, Công ty Hương Quế thường xuyên nghiên cứu, sản xuất các mẫu sản phẩm mới với hơn 15 chủng loại để đưa ra thị trường.

Ngoài hai doanh nghiệp nói trên, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khác trên địa bàn quận Liên Chiểu nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương với số tiền hàng trăm triệu đồng. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở nhận nguồn vốn hỗ trợ đều có chung nhận định, đây là một trong những chính sách của Nhà nước phát huy được hiệu quả, góp phần tiếp sức, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn khuyến công

Báo cáo của UBND quận Liên Chiểu cho biết, từ năm 2016-2020, có 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn quận nhận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia với tổng số tiền 1,45 tỷ đồng; nguồn khuyến công địa phương 925 triệu đồng. Trong đó có hai doanh nghiệp nhận nguồn hỗ trợ lớn nhất (500 triệu đồng) là Công ty TNHH Sức Trẻ với phương án “Xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” và Công ty TNHH Khả Tâm với đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp”. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Công ty CP Xi-măng Ngũ Hành Sơn, Công ty TNHH Mắm Hồng Hương, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vietstart cũng nhận được kinh phí hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, kinh doanh...

Ông Lê Duy Hòa, Trưởng phòng Kinh tế quận Liên Chiểu, cho biết trong năm 2022, sau khi triển khai đến các địa phương, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh việc đăng ký đề án, phương án để tham gia thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, đến nay, Phòng Kinh tế quận đã tổng hợp và đề xuất hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH MTV Nafisa; hộ kinh doanh Hương Quê; Công ty TNHH An Phước Thạnh và Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế. Bên cạnh đó, đề xuất hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn làm tiền đề để hỗ trợ ứng dụng các năm tiếp theo cho 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Cơ khí và xây lắp Bản Sơn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Lam Việt. Số tiền đề xuất hỗ trợ cao nhất trong năm 2022 là 1,4 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố, cho biết quận Liên Chiểu là một trong những địa bàn có nhiều doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương. Thông qua chương trình, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đây là kết quả của việc nỗ lực đưa chính sách đi vào cuộc sống. Cũng theo ông Hạ, tiếp nối những kết quả đạt được từ Chương trình khuyến công Đà Nẵng giai đoạn 2014 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025, UBND thành phố tiếp tục phê duyệt “Chương trình khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” với tổng kinh phí dự kiến 145,78 tỷ đồng, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.