Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân của thành phố không ngừng phát triển về cả số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đây là kết quả của 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) ngày 9-12-2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Công nhân đang làm việc tại Nhà máy ươm tạo, nghiên cứu sản xuất điện tử công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM |
Xây dựng đội ngũ doanh nhân tiên phong trong phát triển kinh tế
Tính đến cuối tháng 8-2022, trên địa bàn thành phố có 35.666 doanh nghiệp (DN) và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 237.568 tỷ đồng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện thành phố có 16 hiệp hội, hội và câu lạc bộ DN. Đội ngũ doanh nhân thể hiện tính năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN ở thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, các doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, chương trình vì cộng đồng trợ giúp các đối tượng yếu thế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền thành phố luôn quan tâm xây dựng đội ngũ doanh nhân làm lực lượng lao động tiên phong trong phát triển kinh tế. Qua đó, xác định việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân, các chủ trương, chính sách hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng. Thông qua các buổi tiếp xúc, đối thoại, gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo…, đơn vị tổ chức đã tuyên truyền, phổ biến kịp thời nhiều nội dung chủ trương, chính sách pháp luật đến DN, doanh nhân…
Trưởng Văn phòng Hội Doanh nhân tư nhân miền Trung Trương Đình Đức nhìn nhận, thành phố đã xây dựng, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân. Trong đó, thành phố lấy cải cách hành chính làm then chốt nên DN thụ hưởng các cải cách hành chính như vấn đề quản lý liên thông về thủ tục đầu tư đối với các dự án; sử dụng dịch vụ trả kết quả hồ sơ tận nhà cho công dân, tổ chức, DN.
Đồng thời, thành phố triển khai nhiều biện pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là tính minh bạch, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính, thuế… gắn với hỗ trợ khởi nghiệp, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước.
Việc xây dựng đội ngũ doanh nhân trên địa bàn thành phố cũng thể hiện qua việc hỗ trợ mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động DN, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân.
Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp luôn có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trong ảnh: Doanh nghiệp đăng ký vốn đầu tư phát triển thành phố tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 vào ngày 25-6. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Lan tỏa sức mạnh doanh nhân, doanh nghiệp
Bí thư Quận ủy Thanh Khê Lê Tùng Lâm chia sẻ, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; định hướng hoạt động của DN theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quận cũng hướng dẫn để các tổ chức, đoàn thể hợp tác cùng doanh nhân góp phần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm DN phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Gần đây, các doanh nhân trên địa bàn quận Thanh Khê chú trọng hoạt động ươm tạo và khởi nghiệp; đặc biệt, việc thực hiện chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của doanh nhân, DN trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Lê Tùng Lâm cho rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của DN, doanh nhân, tạo sự chuyển biến tích cực từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến việc đồng hành cùng với doanh nhân, DN.
Thực sự coi đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế thành phố.
Điều quan trọng là luôn tạo điều kiện để doanh nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình, tiếp cận về vốn, tài chính, chính sách, mặt bằng... Đặc biệt cấp ủy đảng, chính quyền chủ động lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, kịp thời đối thoại và giải quyết hiệu quả các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường nắm tình hình hoạt động, phát triển của DN để thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố hiện cơ bản đạt được mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân Đà Nẵng lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, có giác ngộ chính trị, có văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, phát triển nhanh, bền vững góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TRIỆU TÙNG