Ngành công thương triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và hợp tác xã (HTX) quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các kỳ hội chợ, kết nối cung - cầu.
Người dân đến Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng có thể trực tiếp thử, chọn sản phẩm. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Thông qua các hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm, đưa hàng Việt về nông thôn…, các doanh nghiệp có cơ hội khảo sát nhu cầu tiêu dùng của người dân, tìm kiếm thị trường, mở chi nhánh, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh. Đó còn là cơ hội để xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt, tôn vinh thương hiệu Việt của các doanh nghiệp, gắn kết doanh nghiệp với thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh các mặt hàng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, có giá cạnh tranh với so với hàng ngoại, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.
Cơ hội cho các cơ sở, hộ kinh doanh quy mô nhỏ
Sản phẩm trà gừng Tâm Nguyên của hộ kinh doanh Tâm Nguyên (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) được công nhận OCOP 3 sao năm 2021; từ đó đến nay, đơn vị liên tục đem sản phẩm đi trưng bày, quảng bá, bán hàng tại các kỳ hội chợ do địa phương, thành phố tổ chức. Bà Huỳnh Thị Hoa, đại diện cơ sở trà gừng Tâm Nguyên cho biết: “Là hộ kinh doanh nhỏ nên khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm của chúng tôi còn yếu. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP đến nay, mỗi khi có hội chợ là địa phương thông báo để chúng tôi tham gia. Qua mỗi đợt hội chợ, chúng tôi có thêm các đơn hàng mới, mở rộng đại lý phân phối không chỉ trên địa bàn mà còn ở các tỉnh, thành phố lân cận”.
Hộ kinh doanh sản phẩm thảo dược Mộc Mộc (quận Cẩm Lệ) mới ra mắt thị trường chưa tới 2 năm. Các sản phẩm của cơ sở gồm: dầu gội, kem ủ/xả tóc, tinh chất dưỡng tóc, gel rửa mặt nha đam, tinh nghệ, dung dịch trầu không (dung dịch vệ sinh phụ nữ), sữa tắm…
Bà Đặng Thị Việt Hà (chủ hộ kinh doanh) chia sẻ: “Mộc Mộc là hộ kinh doanh nhỏ nên gặp nhiều khó khăn khi phát triển sản phẩm. Hiện mỗi tháng, chúng tôi xuất ra thị trường 150 chai/sản phẩm. Mặc dù rất tự tin về khâu sản xuất (tất cả các sản phẩm được làm thủ công hoặc được kết hợp giữa phương pháp gia nhiệt và lên men, giúp bảo quản sản phẩm cũng như góp phần làm sạch môi trường - PV), tuy nhiên, khâu tiếp thị của chúng tôi còn yếu. Vì vậy, tôi rất mong được tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu để được trực tiếp thông tin sản phẩm đến đông đảo khách hàng, qua đó nhận được phản hồi của khách hàng thông qua việc trao đổi. Đặc biệt, các kỳ hội chợ thường có sự tham gia của các nhà phân phối, đại lý lớn. Chúng tôi sẽ có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình đến kênh phân phối hiện đại, dễ tiếp cận người tiêu dùng”.
Những năm qua, công tác hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, công nghiệp nông thôn tham dự hội chợ, triển lãm nhằm tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm được các ban, ngành, địa phương rất quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đã quảng bá, mở rộng được thị trường tiêu thụ hàng hóa và ký được các hợp đồng kinh tế có giá trị cao.
Thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, trong năm nay, thông qua các chương trình kết nối, có 24/40 sản phẩm OCOP được đưa vào các kênh phân phối hiện đại; 8 nhóm sản phẩm của 6 doanh nghiệp đã được vào 5 siêu thị, trung tâm thương mại lớn.
Tham gia các hội chợ, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Góp phần quảng bá hàng Việt
Được tổ chức từ năm 2010 đến nay, Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng đã trở thành một sự kiện xúc tiến thương mại thường niên, uy tín đối với doanh nghiệp cả nước, người tiêu dùng trên địa bàn và các tỉnh lân cận; là điểm đến của các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền…; góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng và niềm tin của người Việt vào hàng Việt. Ghi nhận thực tế cho thấy, thông qua các hội chợ, triển lãm, hàng hóa của các doanh nghiệp, các sản phẩm địa phương được người tiêu dùng trong cả nước và nước ngoài biết đến nhiều hơn.
Đây còn là cơ hội để các nhà sản xuất ghi dấu ấn về thương hiệu sản phẩm, dịch vụ trong tâm trí người tiêu dùng. Mặt khác, người tiêu dùng được tự do xem xét, lựa chọn hàng hóa dựa trên tiêu chí chất lượng, mẫu mã và giá cả; được doanh nghiệp giới thiệu và tư vấn về sản phẩm một cách chi tiết; được sử dụng thử các sản phẩm và người tiêu dùng có thể phản hồi ý kiến của mình trực tiếp tới nhà sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, hiểu rõ vai trò của xúc tiến thương mại, ngành công thương luôn theo dõi và nắm bắt sát thông tin, định hướng thị trường và các chương trình hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia của Bộ Công Thương để kết nối cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia và có định hướng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Thông qua các hội chợ, các doanh nghiệp, nhà sản xuất có dịp gặp gỡ, giao lưu, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng; góp phần đổi mới tư duy của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, việc đưa các hộ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tham gia các kỳ hội chợ, xúc tiến thương mại góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cơ hội cho các đơn vị quảng bá và nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng, nhận được đơn đặt hàng từ các hội chợ.
Các đơn vị khẳng định, hội chợ không chỉ giúp họ tìm được nhiều khách hàng hơn mà còn học hỏi được cách làm từ nhiều nơi khác trong việc thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói hàng nông sản, thực phẩm. Sau các chuyến hội chợ, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục giao dịch với các nhà phân phối, mua hàng, đi đến những hợp đồng cụ thể để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
QUỲNH TRANG