Doanh nghiệp lo lắng vì lãi suất và room tín dụng

.

Đang là thời gian cao điểm sản xuất cuối năm nên nguồn vốn là vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng, cũng như giới hạn cấp tín dụng (room tín dụng) của nhiều ngân hàng đang ngày càng thắt chặt khiến doanh nghiệp gặp khó.

Các doanh nghiệp lo lắng vì lãi suất cho vay và room tín dụng hạn hẹp.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Các doanh nghiệp lo lắng vì lãi suất cho vay và room tín dụng hạn hẹp. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Lãi suất cao nhưng khó vay

Mặc dù đã ký hợp đồng vay 10 tỷ đồng với lãi suất 8,8% trong thời hạn 6 tháng tại một ngân hàng thương mại, bà Trần Lệ Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lê My Trần cho biết ngân hàng vừa thông báo không giải ngân được đúng như hợp đồng đã ký mà phải đợi thêm thời gian, lý do là room tín dụng của ngân hàng đang hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh và các vấn đề khác liên quan đến vay vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Tương tự, ông Phan Phước Lộc, Giám đốc Công ty CP Đại Phước Long nhận định, cùng với lãi suất ngân hàng cao, thời gian này nhiều doanh nghiệp còn gặp phải những khó khác như tỷ giá ngoại tệ, nguồn nguyên liệu. Hiện ngân hàng đã thông báo lãi suất vay trung hạn đã tăng lên mức 12,8%, trong khi biên độ lợi nhuận sản phẩm của doanh nghiệp chỉ ở mức 5-7%.

Lãi suất cao nhưng việc vay vốn không dễ dàng vì các ngân hàng chọn lựa và xét duyệt khách hàng rất thận trọng. Với tình hình khó khăn về cả đơn hàng lẫn chi phí tăng hiện nay, khả năng sẽ có những đơn vị lựa chọn “ngủ đông” thay vì sản xuất, kinh doanh, ngay cả vào thời điểm nước rút cuối năm.

Đi kèm với lãi suất cho vay tăng cũng như room tín dụng thu hẹp, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố cho biết, nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng khi khoản vay đáo hạn sẽ khó vay lại hoặc được cấp hạn mức thấp hơn khiến việc xoay xở vốn khó khăn.

Khi ngân hàng thẩm định hồ sơ tín dụng sẽ căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 năm gần đây, nếu đủ điều kiện mới cấp khoản vay. Trong khi 2 năm gần nhất, do ảnh hưởng Covid-19 và tình hình thế giới có nhiều biến động, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó, doanh thu chưa được như kỳ vọng, thậm chí lỗ vốn nên khó có thể đáp ứng điều kiện vay vốn khi xét đúng quy trình nói trên.

Dự báo còn nhiều khó khăn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25-10. Trong đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,5% lên 1%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 5% lên 6%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Ngay sau động thái này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ cuối tháng 10-2022, nhiều ngân hàng thương mại liên tục cập nhật, tăng lãi suất tiền gửi (lãi suất huy động) tùy kỳ hạn, hình thức gửi tiết kiệm, trong đó đối với các khoản tiền gửi với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, phần lớn các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động lên mức tối đa là 6%. Đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, một số ngân hàng đã tăng mức lãi suất lên cao từ 9-11%. Quy luật khi ngân hàng tăng lãi suất huy động thì lãi suất cho vay cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, do việc hạn chế về room tín dụng nên một số ngân hàng gặp khó khăn trong việc giải ngân các khoản vay mới. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp chưa dễ tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là đối với khoản vay ưu đãi trong khi nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh giai đoạn cuối năm đang rất nóng.

Ông Trần Ngọc Ân, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - chi nhánh Đà Nẵng thông tin, các khó khăn nêu trên là thực tế xảy ra ở hầu hết ngân hàng thương mại hiện nay. Mặt bằng lãi suất tăng lên trong khi tốc độ huy động vốn tăng trưởng chậm, bên cạnh đó là room tín dụng thu hẹp nên Agribank cũng hạn chế cho vay mới mà chủ yếu là chăm sóc các khách hàng hiện hữu để bảo đảm theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài đến hết năm 2022.

Các doanh nghiệp lo lắng vì lãi suất cho vay và room tín dụng hạn hẹp.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH In Trùng Khoa. Ảnh: M.Q
Các doanh nghiệp lo lắng vì lãi suất cho vay và room tín dụng hạn hẹp. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH In Trùng Khoa. Ảnh: M.Q

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng giải thích, room tín dụng là một trong những công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục đích của room tín dụng để khống chế và điều chỉnh lượng tín dụng phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ngay từ đầu năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng của năm nay là 14% tính trên tổng thể hệ thống ngân hàng Việt Nam, có điều chỉnh theo diễn biến thực tế vào room tín dụng năm 2022 còn rất ít.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo lãi suất đầu vào có thể tăng lên nhưng đầu ra phải kìm chế. Hiện các ngân hàng thương mại đã có những chính sách cụ thể tránh việc tăng lãi suất quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần linh động, sáng tạo và tính toán lại nhu cầu vốn của mình.

Đối với các doanh nghiệp đã ký kết với ngân hàng thương mại nhưng không được giải ngân theo đúng hợp đồng, có thể kiến nghị tới lãnh đạo ngân hàng đang vay vốn, cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng để can thiệp.

* Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng:
Nhiều doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, dự án do không vay được vốn

Do tắc nguồn vốn tín dụng, vốn trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng nên các doanh nghiệp thiếu vốn phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro, có doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, dự án, giảm lao động. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên xem xét nới trần (room) tín dụng ở mức phù hợp để có thêm nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

* TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Kiểm toán - Thẩm định giá và Tư vấn ECOVIS AFA Việt Nam: Doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, tài chính một cách rõ ràng, minh bạch

Với chính sách tín dụng kiểm soát lạm phát, giữ giá trị tiền đồng và an toàn của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam buộc phải tăng lãi suất và siết room tín dụng. Việc hết room tín dụng và lãi suất đang trên đà tăng cao nên nhiều doanh nghiệp không thể và không dám vay nhất là vay để đầu tư mới. Theo tôi, Chính phủ cần có chính sách điều hành cân bằng, hợp lý giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, cần nới room tín dụng một cách phù hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, lành mạnh, minh bạch, những chủ đầu tư uy tín, những dự án tốt được tiếp cận nguồn vốn vay. Đồng thời có cách thức để kiểm soát những nguồn vốn vay này được đi vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, tránh trường hợp doanh nghiệp vay vốn để đầu cơ, dẫn đến mất cân đối tài chính, gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Các cơ quan quản lý cần tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, giúp các ngân hàng có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Còn doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, tài chính một cách rõ ràng, minh bạch giúp ngân hàng có cơ sở đánh giá thực trạng về năng lực tài chính của doanh nghiệp để đưa ra các quyết định cho vay kịp thời.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.