Doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó

.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu. Tuy nhiên, theo dự báo của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, tình hình xuất khẩu kể từ cuối năm 2022 sang năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn do biến động của tình hình thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa bảo đảm kế hoạch sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động.

Công nhân đang sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: QUỲNH TRANG
Công nhân đang sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: QUỲNH TRANG

Đơn đặt hàng có xu hướng giảm

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (chuyên sản xuất sản phẩm dép dưỡng sinh và lót giày với 35% thị phần xuất khẩu) cho biết, những tháng cuối năm, các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ trong nước đã làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu của đơn vị. Ngoài ra, giá nguyên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20-25%..., nhất là chi phí logistics đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. May mắn là đối tác xuất khẩu của đơn vị vẫn đặt hàng đều đặn, chỉ giảm số lượng đơn hàng khoảng 25%.

“Chúng tôi bảo đảm việc làm cho 100% người lao động. Hiện tại, người lao động làm việc ở Hương Quế vẫn duy trì công việc để bảo đảm tiến độ giao hàng cho các đối tác. Như ngày 17-11, chúng tôi xuất đi Đức 1 lô container hàng”, ông Sơn thông tin.

Trong khi đó, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức do tác động của các yếu tố địa chính trị và tình hình kinh tế thế giới, gây nguy cơ gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu, kế hoạch sản xuất bị xáo trộn; chi phí đầu vào tăng cao, tình hình lạm phát tại các thị trường chủ lực tăng cao dẫn đến nhu cầu của người tiêu dùng giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng, đơn giá và hiệu quả của tổng công ty trong các tháng cuối năm 2022.

Tính đến tháng 10-2022, tình hình xuất khẩu của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) ghi nhận mức tăng trưởng cao với doanh số xuất khẩu hơn 100 triệu USD, đạt gần 90% kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên, công tác thị trường được triển khai khá tốt cho cả hai ngành sợi và may. Tận dụng cơ hội thị trường phục hồi tích cực sau dịch, các phòng kinh doanh thuộc đơn vị đã tích cực khai thác đơn hàng để bảo đảm sản xuất theo chuyên môn hóa cho các nhà máy.

Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng, các doanh nghiệp trong nước nói chung và DRC nói riêng bị ảnh hưởng bởi giá nguyên nhiên vật liệu tăng phi mã, mức độ tăng giá nguyên vật liệu nhiều lần do đứt gãy nguồn cung; chi phí logistic đạt mức tăng kỷ lục trên toàn cầu; sức mua thị trường trong và ngoài nước giảm sút chưa từng có.

“Tình hình khó khăn cho thị trường xuất khẩu cuối năm 2022 nhưng DRC đã có những định hướng chiến lược như tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu tư mở rộng công suất và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường… Điều đó giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với tình hình thực tế, đáp ứng kịp thời hàng hóa cho thị trường, bảo đảm kế hoạch sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động”, ông Nhựt cho hay.

Ngành công thương cần có đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá hơn nữa sản phẩm Đà Nẵng. Trong ảnh: Khách hàng, doanh nghiệp tham quan các gian hàng tại sự kiện  Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm Đà Nẵng 2022 ngày 10-11 vừa qua. Ảnh: Q.T
Ngành công thương cần có đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá hơn nữa sản phẩm Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Khách hàng, doanh nghiệp tham quan các gian hàng tại sự kiện Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm Đà Nẵng 2022 ngày 10-11 vừa qua. Ảnh: Q.T

Nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu

Trước bài toán khó về thị trường xuất khẩu đang giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao, các doanh nghiệp xác định không thể thụ động dựa vào các đối tác nước ngoài hoặc chờ đợi lạm phát đi xuống. Thay vào đó, doanh nghiệp chủ động đưa ra nhiều giải pháp để nỗ lực giảm chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá bán sản phẩm; giảm bớt chi phí các khâu trung gian...

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm ngành may để chủ động hơn trong công tác thiết kế, phát triển mẫu, mua nguyên phụ liệu; chủ động trong công tác sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin sâu vào các mặt hoạt động”. Trong khi đó, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt đề xuất, thời gian tới, Sở Công Thương và các ban, ngành có liên quan cần triển khai kịp thời các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều hơn, từ đó phát triển bền vững; kết nối đào tạo nhân lực, hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất... Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình kết nối công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Đà Nẵng và trên toàn quốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hỗ trợ sử dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước bảo đảm chất lượng đầu vào, giá thành rẻ, chi phí vận chuyển thấp, chủ động nguồn cung và trở thành các doanh nghiệp vệ tinh cho doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, nhằm tạo đà cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khai thác tốt tại những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản..., bên cạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Công Thương tiếp tục cập nhật và thông báo kịp thời đến doanh nghiệp các thông tin, khuyến nghị từ Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan về cơ chế, chính sách điều hành xuất nhập khẩu hàng hóa, thông tin về thị trường, mặt hàng, biện pháp kỹ thuật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, biện pháp phòng vệ thương mại... của các nước, khu vực đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tham mưu triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo tạo thuận lợi thương mại thành phố, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu; tích cực tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu về phòng vệ thương mại để nâng cao khả năng tự bảo vệ của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường xuất khẩu.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.