Thành phố Đà Nẵng hiện có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm) nhưng đến nay, chưa có sản phẩm nào được phân hạng 5 sao (cấp quốc gia). Làm thế nào để nâng hạng, xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao là vấn đề nhiều doanh nghiệp, đơn vị quan tâm. Thành phố cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực để hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Nâng hạng, xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao là vấn đề nhiều doanh nghiệp, đơn vị quan tâm. TRONG ẢNH: Sản xuất sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH Bắc Đẩu, Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nhiều sản phẩm tiềm năng
Sản phẩm bánh dừa nướng Top Coco của Công ty TNHH Mỹ Phương Food là một trong 14 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao trên toàn thành phố. Theo bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Mỹ Phương Food, sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm của công ty đã đạt được các kết quả tích cực, tạo sự uy tín, tin tưởng với người tiêu dùng và có cơ hội quảng bá, tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại lớn, góp phần xây dựng, định vị thương hiệu.
Tính đến nay, sản phẩm đã có mặt ở thị trường các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào… và đang được xúc tiến thương mại sang Trung Quốc. Đặc biệt, sản phẩm vừa đạt được chứng nhận FDA và sẽ xuất khẩu qua thị trường Mỹ trong tháng 11-2022. Mặc dù có nhiều lợi thế và đáp ứng được những tiêu chí xuất khẩu qua các thị trường nước ngoài, nhưng sản phẩm vẫn chưa đạt được chứng nhận OCOP 5 sao.
Theo bà Nhi, đạt được OCOP 5 sao là cơ hội lớn giúp doanh nghiệp quảng bá tiềm năng, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và đưa sản phẩm tiếp cận với các thị trường lớn. “Chúng tôi đã được Sở Công Thương hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu. Tuy nhiên, mã QR code trên sản phẩm vẫn chưa tích hợp được việc truy xuất nguồn gốc đầu vào. Đây là vấn đề mà chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ và mong muốn được các cấp, ngành hỗ trợ để hoàn thiện”, bà Mai Thị Ý Nhi chia sẻ.
Trong khi đó, Công ty TNHH Bắc Đẩu (Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà) là doanh nghiệp sở hữu 3 sản phẩm OCOP được phân hạng 4 sao gồm chả cá thu, chả mực và cá đét khô tẩm gia vị. Các sản phẩm đều nguồn nguyên liệu đầu vào và nhân công thực hiện tại Đà Nẵng, được ứng dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản sản xuất. Đến nay, sản phẩm đã được xuất khẩu sang một số quốc gia châu Á như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu cho biết, nhờ vào chương trình OCOP của thành phố, các sản phẩm được quảng bá, tạo cơ hội xúc tiến thương mại với các đối tác, doanh nghiệp, người tiêu dùng; tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia, phân hạng OCOP cho sản phẩm cá bò khô.
“Chúng tôi muốn được nâng hạng trở thành sản phẩm OCOP 5 sao để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu, mở rộng thị trường và tiếp cận các nhóm khách hàng tiềm năng; góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu sản phẩm có nguồn gốc từ Đà Nẵng”, bà Nguyễn Thị Hồng Thu nói.
Thành phố cần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao. TRONG ẢNH: Một khách hàng đang sử dụng sản phẩm bánh dừa nướng Top Coco tại hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Tháo gỡ khó khăn, hướng tới sản phẩm OCOP 5 sao
Theo Phòng Kế hoạch - Tài chính và Quản lý xây dựng công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hướng đến xây dựng sản phẩm 5 sao là mục tiêu của thành phố trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Để đạt được sản phẩm 5 sao, ngoài việc bảo đảm các quy định chung của bộ tiêu chí, cần đáp ứng được các điều kiện về: tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các quy chuẩn quốc tế; có quy mô sản xuất lớn; vấn đề liên kết chuỗi giá trị; đặc biệt là nguồn nguyên liệu địa phương, truy xuất nguồn gốc, truy xuất mã số vùng trồng...
Đây là những hạn chế đối với sản phẩm OCOP của thành phố, đòi hỏi các đơn vị, doanh nghiệp phải có quá trình chuẩn hóa, hoàn thiện sản phẩm để bảo đảm các yêu cầu, quy định của sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trong quá trình triển khai chương trình, Sở NN&PTNT đã định hướng, lựa chọn một số sản phẩm để nâng cấp, phát triển, hoàn thiện tiêu chuẩn sản phẩm 5 sao như: bánh dừa nướng Mỹ Phương Food, chả cá thu Bắc Đẩu, nước mắm Hương Làng Cổ Nam Ô…
Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng tiên tiến như ISO, HACCP, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, phát triển hệ thống phân phối.
Trong năm 2022, sở tập trung xây dựng liên kết chuỗi giá trị cho các sản phẩm OCOP, từng bước nghiên cứu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại vùng nguyên liệu, bảo đảm tiêu chuẩn tham gia đánh giá sản phẩm 5 sao trong năm 2023.
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, thời gian đến, sở tập trung thực hiện chương trình OCOP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện của thành phố; phát triển các sản phẩm đặc sản, chủ lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, địa phương; thực hiện các giải pháp để phát triển sản phẩm OCOP và định hướng chuẩn hóa sản phẩm 5 sao.
Theo đó, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm OCOP, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng phát huy nội lực, giá trị gia tăng gắn với phát triển cộng đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, chuẩn hóa sản phẩm OCOP theo hai hướng phát triển gồm: sản phẩm đặc trưng, chủ lực, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế của địa phương; sản phẩm mới dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng nổi trội, đặc sắc và có tiềm năng thị trường.
Sở sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng. Đối với các sản phẩm đạt 3 sao, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, đổi mới công nghệ, quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng, hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định, phù hợp nhu cầu thị trường. Đối với sản phẩm OCOP 4 sao, bên cạnh việc hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm, nghiên cứu lựa chọn sản phẩm tiềm năng 5 sao để tập trung chuẩn hóa, nâng cấp tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp Trung ương…
40 sản phẩm OCOP Trên địa bàn Đà Nẵng có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP, gồm 17 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022, Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình OCOP. Hội đồng thành phố đang đánh giá, phân hạng 11 sản phẩm trong đợt 1-2022. Dự kiến, cuối năm 2022, toàn thành phố sẽ có thêm 25 sản phẩm được công nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP lên 65 sản phẩm. |
VĂN HOÀNG