Những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ Đà Nẵng bắt đầu vươn ra thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay là vấn đề thiết kế mẫu mã sản phẩm trong khi chi phí đầu vào ngày một tăng, vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng hạn chế… Do đó, cần thiết có những giải pháp, chính sách tháo gỡ, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này phát triển.
Người dân tham quan tìm hiểu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại một cơ sở trên địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: P.V |
Nhiều khó khăn
Công ty TNHH Hoàng Thiện (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre, song mây; trung bình mỗi tháng đưa ra thị trường 500-1.000 sản phẩm có giá dao động 30.000 đồng đến 5 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Trung Bộ và xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á.
Bà Huỳnh Thị Tâm (chủ cơ sở) chia sẻ, hàng thủ công mỹ nghệ có đặc thù riêng so với những mặt hàng sản xuất, chế biến khác nên việc đáp ứng tiêu chí của từng thị trường về chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm, nhận diện thương hiệu không dễ. Từ đầu năm đến nay, xưởng gỗ mỹ nghệ của bà đã cắt giảm hơn một nửa số lao động và thu hẹp quy mô sản xuất khi số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, hàng tồn kho còn nhiều, chi phí về vận hành, nguyên liệu tăng cao.
“Việc tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, nhất là việc cạnh tranh với hàng thủ công mỹ nghệ của Trung Quốc, Thái Lan… Sản phẩm của chúng tôi nhiều năm nay vẫn là tủ thờ, bàn, ghế, động vật, vật phẩm phong thủy... kén khách hàng. Bên cạnh đó, chính sách xuất khẩu hàng hóa của chúng ta rất khó, giấy tờ kê khai hải quan qua nhiều khâu, yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ phức tạp”, bà Tâm trao đổi.
Khảo sát một vài cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố, sản phẩm của địa phương chủ yếu được sản xuất theo tính truyền thống, ít có đột phá, quanh đi quẩn lại những mẫu thiết kế đã có cách đây cả chục năm. Công ty TNHH MTV đèn trang trí Đà Nẵng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) mỗi tháng xuất bán ra thị trường 300-500 sản phẩm; thị trường tiêu thụ chính là các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... và được bày bán ở các gian hàng triển lãm hàng Việt ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Khoa Minh, Giám đốc công ty cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu đang khó khăn, nhiều đơn vị tìm đường gia tăng cung ứng trong nước cho khách hàng nội địa, tuy nhiên, đang là mùa du lịch thấp điểm nên chỉ duy trì sản xuất cầm chừng. Mặt khác, nguồn cung nguyên vật liệu đang hiếm, giá cao, gián đoạn khiến cơ sở thêm khó khăn.
“Để tìm kiếm nguồn nguyên liệu giá cả phải chăng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, tôi đã nhiều lần đi qua các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Úc để đàm phán, chào mời cho các sản phẩm đèn trang trí mỹ nghệ nhằm giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống nhưng chưa có kết quả”, ông Minh bày tỏ.
Cần sự liên kết, đổi mới
Một trong những vấn đề khiến cho hàng thủ công mỹ nghệ chưa thể cạnh tranh với các đối thủ khi vươn ra thị trường thế giới là chậm đổi mới, thiếu sáng tạo trong sản phẩm và thương hiệu. Ông Nguyễn Mạnh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay: “Hàng thủ công mỹ nghệ địa phương bộc lộ những điểm yếu về tính sáng tạo. Đây là nguyên nhân chính khiến khó cạnh tranh với hàng nước ngoài. Vì vậy, cơ sở của tôi đang liên kết với các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ khác nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, thị trường xuất khẩu ưa chuộng những món hàng độc, lạ, có xuất xứ, thương hiệu rõ ràng, không thể đi theo xu hướng cũ là sản xuất đại trà, theo kinh nghiệm truyền thống mà phải có sự chắt lọc, nâng cao tay nghề”.
Thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, đá mỹ nghệ sang nước ngoài vẫn còn thấp. Số lượng doanh nghiệp ở nhóm hàng thủ công mỹ nghệ vẫn còn khá ít và manh mún. Khảo sát thực tế cho thấy, hiện nhiều doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn vẫn ấp ủ giấc mơ xuất khẩu, đưa sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam vươn tầm thế giới.
Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, gia công hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn chưa có sự liên kết rõ ràng để cùng nhau phát triển trong khi cơ hội hiện nay để phát triển của mặt hàng này là rất lớn. Để cạnh tranh với thị trường nước ngoài, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng thủ công mỹ nghệ phải liên kết với nhau thành một chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng vào xây dựng, quảng bá thương hiệu để mở rộng thị phần.
Ông Lê Quốc Tiến, Phó trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khu vực miền Trung cho rằng, nên đơn giản hóa chính sách, hạn chế những rào cản, gia nhập những tổ chức, đoàn thể, hội nhóm quốc tế để doanh nghiệp, sản phẩm Việt gia nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, những tổ chức, đoàn thể về nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp ở nước ngoài cũng cần phát huy đúng vai trò, nghĩa vụ trong công tác định hướng, bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của hàng thủ công mỹ nghệ.
Một yếu tố nữa để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương là tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm thông qua việc tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại cũng như có chiến lược quảng bá sản phẩm thật bài bản.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, thời gian tới, ngành công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất cá thể trong lĩnh vực công nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển. Trong đó, thông qua các cuộc triển lãm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm sản xuất tại Đà Nẵng, xây dựng và triển khai chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025.
QUỲNH TRANG - CHIẾN THẮNG