Sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 10 tiếp đà tăng trưởng

.

Cục Thống kê thành phố cho biết, tháng 10-2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp cao hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 năm 2022 ước tăng 4,4% so với tháng trước và tăng xấp xỉ 5% so với tháng cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, IIP ngành khai khoáng có mức tăng khá ấn tượng so với cùng kỳ (+118,8%) mặc dù so với tháng trước chỉ bằng 78,2%. Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì mức tăng 5,9% so với tháng trước và 0,4% so với tháng cùng kỳ (có 18/22 nhóm ngành tăng so với tháng trước và 11/22 ngành tăng so với cùng kỳ). Một số nhóm ngành đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng thời điểm năm 2021 như: sản xuất đồ uống (+82,9%); sản xuất kim loại (+28,7%); sản xuất kim loại đúc sẵn (+41,9%); đặc biệt nhóm ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 9,8 lần. Tính chung 10 tháng năm 2022, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 16,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 22,4%; ngành khai khoáng nhờ chỉ số trong 2 tháng 9 và 10 tăng cao đã kéo chỉ số bình quân 10 tháng tăng 2,5%.

Trong khi đó, mặc dù trong tháng, hầu hết các nhóm ngành thương mại, dịch vụ đều có xu hướng giảm so với tháng trước nhưng tính chung 10 tháng năm 2022 vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao. Một số nhóm ngành thương mại, dịch vụ liên quan tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước khôi phục hoạt động kinh doanh sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10-2022 ước đạt 10.145 tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước và tăng 67,4% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 90.984 tỷ đồng, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 54.543 tỷ đồng, chiếm 60% tổng mức và tăng 18,3%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 15.114 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng mức và tăng 78,0%; du lịch lữ hành và hỗ trợ du lịch đạt 1.751 tỷ đồng, chiếm 1,9% và gấp 8,4 lần cùng kỳ; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 19.576 tỷ đồng, chiếm 21,5% và tăng 156,5%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 năm 2022 ước đạt 5.864,7 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 17,4% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó bán lẻ trong siêu thị ước đạt 301 tỷ đồng, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 10,2% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 54.543 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó toàn bộ 12 nhóm hàng hóa đều có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2021. Một số nhóm hàng đạt mức tăng trên mức tăng bình quân chung như: hàng may mặc (+39,5%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+48,4%); xăng, dầu các loại (+33,2%); đá quý, kim loại quý (+57,9%)...

* Cũng theo Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021. Trong mức tăng 0,27% của CPI tháng 10, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm có giá bình ổn so với tháng trước. Những nhóm hàng có mức tăng cao hơn so với tháng trước là: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng: tăng 1,55%; hàng hóa và dịch vụ khác: tăng 1,04%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,77%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống: tăng 0,52%; thiết bị và đồ dùng gia đình: tăng 0,22%; may mặc, mũ nón và giày dép: tăng 0,19%; bưu chính, viễn thông: tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế: tăng 0,02%. Nhóm hàng có CPI giảm là: giao thông: giảm 2,83%; văn hóa, giải trí và du lịch: giảm 0,14%; Còn lại nhóm giáo dục có CPI bình ổn.

Một số nguyên nhân tác động tới chỉ số CPI tháng 10 là sau trận mưa lịch sử giữa tháng, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng, đặc biệt là giá mặt hàng rau, củ, quả tăng mạnh. Ngoài các thực phẩm chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, các loại thực phẩm khác cũng tăng giá do các yếu tố nguyên vật liệu đầu vào tăng. Bên cạnh đó, giá nhà ở cho thuê tăng do nhu cầu thuê nhà của sinh viên nhập học tăng cao, các dịch vụ phục vụ cá nhân cũng tăng theo.

QUỲNH TRANG - M.Q

;
;
.
.
.
.
.