Thị trường hàng hóa hồi phục, nhu cầu mua sắm tăng

.

* CPI tháng 11 tăng 0,43%

Ngày 29-11, Cục Thống kê thành phố cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 10.009 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 49,9% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 100.635 tỷ đồng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 60.132 tỷ đồng, chiếm 59,8% tổng mức và tăng 16,8%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 16.746 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng mức và tăng 81,3%; du lịch lữ hành và hỗ trợ du lịch đạt 2.012 tỷ đồng, chiếm 2% và gấp 9,7 lần cùng kỳ; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 21.745 tỷ đồng, chiếm 21,6% và tăng 166,1%.

Người dân mua hàng tại siêu thị Winmart Đà Nẵng. Ảnh: HƯƠNG SEN
Người dân mua hàng tại siêu thị Winmart Đà Nẵng. Ảnh: HƯƠNG SEN

Các hoạt động du lịch, thương mại nội địa diễn ra sôi động, thu hút một lượng lớn khách nội địa, người tiêu dùng đến Đà Nẵng tham quan và mua sắm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 ước đạt 5.844 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 8,4% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán lẻ trong siêu thị ước đạt 306 tỷ đồng tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 4,3% so với tháng cùng kỳ. So với tháng trước, tất cả 12 nhóm ngành bán lẻ đều tăng. Trong đó, có một số nhóm tăng cao hơn mức tăng chung như: nhóm hàng hóa khác tăng xấp xỉ 7,0%; xăng dầu tăng 5,3% (nguyên nhân chủ yếu là trong tháng 11, Nhà nước 2 lần điều chỉnh tăng liên tiếp do chi phí nhập khẩu xăng dầu tăng); ô-tô các loại tăng 5,2%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 5,1%. So với tháng cùng kỳ năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,4%...

Bên cạnh đó việc giá xăng, dầu thế giới biến động tăng liên tục trong tháng đã làm cho giá xăng dầu trong nước tăng 19,41% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 60.132 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó toàn bộ 12 nhóm hàng hóa đều có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2021. Một số nhóm hàng đạt mức tăng trên mức tăng bình quân chung như: hàng may mặc (+37,7%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+44,7%); xăng, dầu các loại (+30,9%); đá quý, kim loại quý (+51,5%)...

* Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Đà Nẵng tháng 11 và 11 tháng năm 2022 của Cục Thống kê thành phố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,43% so với tháng trước, tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,95% so với cùng kỳ năm 2021. Trong mức tăng 0,43% của CPI, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm có giá bình ổn so với tháng trước. Những nhóm hàng có mức tăng cao hơn so với tháng trước là: giao thông tăng 2,5%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,84%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,39%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,33%; bưu chính, viễn thông tăng 0,06%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Nhóm hàng có CPI giảm là: văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,15% và dịch vụ khác giảm 0,01%. Còn lại nhóm giáo dục có CPI bình ổn.

Một số nguyên nhân tác động tới chỉ số CPI tháng 11 là giá xăng dầu được điều chỉnh 3 lần tháng 11 làm cho chỉ số giá nhóm dầu hỏa tăng 7%, nhóm nhiên liệu chung tăng 5,55%. Trên thị trường, một số hàng quán tăng giá để bảo đảm lợi nhuận trước việc tăng giá của các loại nguyên vật liệu đầu vào dùng để chế biến. Trong tháng, các chủ trọ áp dụng mức giá mới để bù đắp chi phí do các loại chi phí liên quan tăng cao, đồng thời tăng theo mặt bằng chung của thị trường làm cho giá thuê nhà tăng. Tháng này thời tiết ổn định hơn so với tháng trước nên hàng hóa cung ứng dồi dào hơn, giá thực phẩm một số mặt hàng giảm so với tháng trước, đặc biệt là mặt hàng rau củ quả...

QUỲNH TRANG - M.Q

;
;
.
.
.
.
.