Là chợ có truyền thống lâu đời, gắn bó với nhiều thế hệ người Đà Nẵng, tuy nhiên hiện nay, chợ Cồn đã bộc lộ hạn chế, cần được “thay áo mới” cho phù hợp hơn với hình ảnh chợ du lịch, văn minh thương mại.
Chợ Cồn sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo từ vốn ngân sách thành phố. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Điểm đến thương mại và du lịch
Chợ Cồn được khởi công xây dựng từ tháng 12-1984 trên mặt bằng có tổng diện tích gần 14.000m2, được đưa vào sử dụng từ tháng 3-1985, với tên gọi là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Tuy nhiên, người dân thành phố vẫn quen gọi là “chợ Cồn”. Năm 2012, theo tính chất hoạt động của các hộ kinh doanh buôn bán tại đây và theo nguyện vọng của người dân thành phố, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết đổi tên “Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng” thành “chợ Cồn”. Từ sau khi được đưa vào sử dụng, chợ Cồn nhanh chóng trở thành đầu mối thương mại lớn nhất Đà Nẵng, một trong những chợ bán sỉ lớn nhất miền Trung. Sự sầm uất của chợ Cồn góp phần tạo dựng nên những khu phố thương mại lớn trên các con đường nằm cận kề với chợ.
Chợ Cồn còn là chợ đặc sản, du lịch sầm uất nổi tiếng bậc nhất của Đà Nẵng. Vào các dịp lễ, Tết, hàng nghìn lượt khách đến chợ Cồn mỗi ngày. Đến với chợ Cồn, du khách chủ yếu thưởng thức các món ăn ngon, đặc sản của thành phố biển. Bên cạnh đó, các đặc sản khô, dưa cà, mắm ruốc của địa phương cũng được du khách ưa chuộng.
Bà Kim Hồng, tiểu thương bán đặc sản địa phương (cá, mực khô) bày tỏ, chợ Cồn đã được “định vị” là chợ bán đặc sản của thành phố, hầu hết du khách ghé mua hàng đều từ hình thức “truyền miệng”. Giá cả cũng được niêm yết sẵn theo giá cố định từ trước để bảo đảm không nâng giá. Bên cạnh đó, tiểu thương cũng linh hoạt các phương thức thanh toán ngoài tiền mặt như chuyển khoản, quét mã QR để tiện lợi cho người mua khi không cầm theo nhiều tiền...
Hiện nay, chợ Cồn có 2.111 hộ kinh doanh, gồm 1.682 hộ cố định và khoảng 429 hộ không cố định (theo số liệu của Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng). Qua khảo sát thực trạng chợ cho thấy, việc bố trí, sắp xếp các ngành hàng hiện nay chưa hợp lý, chưa bảo đảm về diện tích sử dụng, đặc biệt là các ngành hàng tươi sống, ẩm ướt như: thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau, củ, quả, dưa, mắm… hoặc các thực phẩm chế biến nhưng chưa bao gói sẵn như: thịt, hải sản khô, gia vị… rất nặng mùi và dễ lây lan ra môi trường, làm ảnh hưởng đến các ngành hàng khác. Những ngành hàng này cần được bố trí ở khối nhà riêng để thuận tiện việc khai thác hiệu quả hoạt động chợ; đồng thời phục vụ việc xây dựng chợ văn minh thương mại, chợ an toàn thực phẩm.
Sự cần thiết xây dựng lại chợ Cồn
Trải qua thời gian dài hoạt động, chợ Cồn đã nhiều lần được tu bổ, sửa chữa, tuy nhiên hiện nay cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình phụ trợ, hệ thống trang thiết bị và một số hạng mục đã xuống cấp, không đồng bộ, không bảo đảm được các tiêu chí của chợ theo quy định; công tác quản lý, bố trí các khu vực quầy hàng chưa phù hợp, thiếu đồng nhất, gây khó khăn trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh, vệ sinh môi trường, xây dựng chợ an toàn thực phẩm...
Thực trạng đó đòi hỏi chợ Cồn cần được đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác theo hướng bảo tồn, phát huy được những giá trị đặc thù của chợ truyền thống; đồng thời bảo đảm đầy đủ điều kiện phát triển chợ văn minh, hiện đại theo đúng định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội thành phố Đà Nẵng được nêu tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chợ Cồn cần được đầu tư xây mới để phát triển thành chợ du lịch, văn minh thương mại. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của người dân, tiểu thương kinh doanh tại chợ Cồn, các sở, ban, ngành liên quan; đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 111-TB/TU ngày 5-5-2021 tại buổi làm việc với Đảng ủy, lãnh đạo Sở Công Thương; theo đó, cần “xây dựng phương án đầu tư, quản lý, khai thác chợ Cồn theo hướng duy trì chợ truyền thống, văn minh, hiện đại”; việc đầu tư xây dựng lại chợ Cồn không chỉ do yêu cầu bức thiết mà còn là xu thế phát triển tất yếu của đô thị Đà Nẵng. Việc đầu tư này nhằm góp phần cải tạo, hiện đại hóa hệ thống thương nghiệp - dịch vụ, tổ chức sắp xếp lại trật tự kinh doanh chợ truyền thống theo hướng văn minh thương mại đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động thương mại - dịch vụ theo định hướng của thành phố.
Thực tế, việc đầu tư xây dựng lại chợ Cồn đã được UBND thành phố đặt ra từ năm 2016. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, Sở Công Thương đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo UBND thành phố các nội dung liên quan đến việc đề xuất phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn cũng như tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng chợ Cồn (năm 2019). Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng chợ chưa được triển khai thực hiện bởi gặp vướng mắc về pháp lý trong việc xác định nguồn vốn đầu tư và hình thức đầu tư.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương thông tin, qua nghiên cứu, Sở Công Thương nhận thấy hình thức đầu tư chợ Cồn bằng vốn đầu tư công là phù hợp nhất. Việc xây dựng theo vốn đầu tư công vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hoạt động của chợ sau này, đặc biệt là đem lại lợi ích cho tiểu thương - những người đang kinh doanh tại chợ. Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ xem xét nghị định sửa đổi Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Trong dự thảo này có nội dung cho phép đầu tư xây dựng chợ hạng 1 bằng vốn đầu tư công. “Chúng tôi kỳ vọng nếu nghị định thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP được phê duyệt vào đầu năm 2023 thì Sở Công Thương sẽ báo cáo UBND thành phố thống nhất việc đầu tư chợ Cồn theo hình thức đầu tư công. Nếu công tác chuẩn bị đầu tư thuận lợi thì kỳ vọng trong giai đoạn 2024-2025 sẽ tiến hành xây dựng đầu tư chợ và qua năm 2025-2026 sẽ có chợ mới”, bà Lê Thị Kim Phương nói.
Đề nghị sớm triển khai Trong Báo cáo công tác xây dựng chính quyền tại kỳ họp lần thứ thứ 10, HĐND thành phố khóa X vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, liên quan đến phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn, qua rà soát ý kiến cử tri, MTTQ thành phố nhận thấy cử tri rất quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển chợ Cồn tại trung tâm thành phố. “Để tương xứng với chợ trung tâm thành phố, cũng là biểu tượng thương mại của người dân Đà Nẵng, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị chính quyền thành phố sớm triển khai phương án quy hoạch xây dựng lại chợ Cồn với đầy đủ các tiêu chí của chợ truyền thống và đầy đủ công năng thương mại với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết hợp với phát triển văn hóa ẩm thực”, báo cáo nhấn mạnh. |
QUỲNH TRANG