Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới thêm giới hạn cấp tín dụng (room tín dụng) từ 1,5-2% cho các tổ chức tín dụng, tương đương khoảng 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế kể từ nay đến hết năm 2022. Trước động thái trên, các doanh nghiệp bày tỏ mong sớm tiếp cận nguồn vốn vay để phục vụ cho sản xuất cuối năm.
Bên cạnh việc nới room tín dụng, một số ngân hàng thương mại có động thái giảm lãi suất cho vay. TRONG ẢNH: Giao dịch tại Ngân hàng Agribank - chi nhánh Nam Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng tới đầu tháng 12-2022 là 12,2%, như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đầu năm 14% thì vẫn còn 1,8%, cộng 1,5-2% tăng thêm là có khoảng 3,3-3,8% room tín dụng cho thời gian tới. Có thể nói, dư địa khá lớn để các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế khi chỉ còn hơn nửa tháng là hết năm 2022.
TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Kiểm toán - Thẩm định giá và Tư vấn ECOVIS AFA Việt Nam, đánh giá, đây là chính sách cần thiết để giải quyết vấn đề thanh khoản của cả ngân hàng và nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Việc nới room tín dụng ở thời điểm này cung cấp nguồn vốn lưu động cuối năm cho các doanh nghiệp đang khát vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có lãi suất hợp lý; đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội sau Covid-19.
Ông Phan Phước Lộc, Giám đốc Công ty CP Đại Phước Long, cho hay việc nới room tín dụng là động thái tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, doanh nghiệp mong chính sách nhanh chóng triển khai, tuy nhiên việc giảm lãi suất cho vay cũng cần đồng bộ, nhiều ngân hàng vẫn áp mức lãi suất rất cao, lên tới 13-14%. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc, nhận định, nhiều doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng, sản xuất giảm trong khi lãi suất vay ngân hàng tăng. Nếu doanh nghiệp không chứng minh được dòng tiền trả nợ thì cũng rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay.
TS. Nguyễn Trọng Hiếu phân tích thêm, việc nới room tín dụng là chính sách tích cực, tuy nhiên chủ trương ban hành khá trễ, cùng với các điều kiện vay vốn phải bảo đảm kiểm soát được rủi ro tín dụng nên các doanh nghiệp khó hấp thụ hết số vốn khoảng 240.000 tỷ đồng từ việc nới room tín dụng 1,5-2% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhất là lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, phần lớn các ngân hàng thương mại đều có tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (tỷ lệ LDR) vượt trần nên gặp khó trong việc cân đối để có nguồn cho vay. Như vậy, quan trọng khi có thêm room tín dụng, các tổ chức tín dụng phải tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội vay vốn”, TS. Hiếu cho hay.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, cho biết việc nới room tín dụng lần này, có ngân hàng được nới room tín dụng 1,5%, có ngân hàng 2% và có ngân hàng không nới room tín dụng. Nguyên nhân của điều chỉnh như trên để các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, đang thực hiện việc giảm lãi suất cho vay hoặc lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Đây là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng vẫn tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… bên cạnh đó là ưu tiên nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội. Ngoài những giải pháp từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động của mình, chứng minh năng lực, tạo niềm tin để các ngân hàng yên tâm cho vay.
MAI QUẾ