Năm 2022, Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng

.

Ngày 30-12, Cục Thống kê thành phố tổ chức họp báo công bố các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022. Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021. Quy mô toàn nền kinh tế năm 2022 ước đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021.

Xét trên phạm vi cả nước, GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ phát triển; xếp thứ 17/63 về quy mô. So với các tỉnh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, Đà Nẵng xếp 2/14 địa phương về tốc độ phát triển (sau tỉnh Khánh Hòa) và xếp thứ 3 về quy mô (sau tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An).

So với khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và xếp thứ 4/5 về quy mô. So với 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu cả tốc độ phát triển và quy mô trong vùng. Trong mức tăng 14,05% của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ đóng vai trò trụ đỡ chính cho tăng trưởng với mức tăng cả năm ước đạt 17,85%, đóng góp 13,31 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,39%, đóng góp 1,49 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm; riêng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,68% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người năm 2022 (tính theo giá so sánh năm 2010) tăng 11,7% so với năm 2021.

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 102,6 triệu đồng/người (tương đương 4.313 USD/người), tăng 13,8% so với năm 2021. Năng suất lao động chung toàn nền kinh tế (bao gồm cả thuế sản phẩm) tính theo giá hiện hành ước đạt 200,6 triệu đồng/người/năm, giảm 0,5% so với năm 2021 và giảm 2,3% sau khi loại trừ yếu tố tăng giá. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 ước đạt 36.895 tỷ đồng, trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 8.313 tỷ đồng, giảm 15,18%; khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 23.087 tỷ đồng, tăng 29,83%; vốn thực hiện khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 5.495 tỷ đồng, tăng 0,72% so với năm 2021.

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ đề xuất một số giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 như: chú trọng phát triển du lịch, một trong những thế mạnh là động lực giúp thành phố tăng trưởng nhanh và bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường hoạt động thương mại, thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đối với hoạt động tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đất đai, thuế, phí, lao động...

M. LÊ

;
;
.
.
.
.
.