Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung ương và địa phương được các sở, ban, ngành triển khai trong năm 2022, giúp doanh nghiệp giảm khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất. Năm 2023, các chính sách này tiếp tục được triển khai đến doanh nghiệp.
Sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: MAI QUẾ |
Miễn, giảm, gia hạn hàng ngàn tỷ đồng thuế, phí
Cục Thuế thành phố cho biết, tổng số thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm trong năm 2022 cho người nộp thuế là 1.385 tỷ đồng. Cụ thể, giảm thu 800 tỷ đồng theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23-3-2022 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 6-7-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Ngoài ra, giảm 350 tỷ đồng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giảm 100 tỷ đồng theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26-11-2021 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô…
Bên cạnh đó, Cục Thuế ước số tiền thuế được gia hạn theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28-5-2022 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2022 là 920 tỷ đồng, trong đó số tiền thuê đất được gia hạn là 158 tỷ đồng.
Về hỗ trợ tín dụng, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 tính đến ngày 30-11-2022 là 23.126 tỷ đồng với 9.711 khách hàng; tổng giá trị nợ được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 4.385 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn với lãi suất hợp lý, các tổ chức tín dụng dành nguồn vốn cho vay lĩnh vực ưu tiên.
Theo đó, ước đến ngày 31-12-2022, tổng dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) tại địa phương đạt hơn 75.200 tỷ đồng, tăng 3,46% so với cuối năm 2021. Các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ngắn hạn tối đa 5,5%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre An Khê cho hay, những chính sách hỗ trợ kịp thời của Trung ương và địa phương như chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên đã tạo điều kiện thuận lợi và mang lại khả quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, qua đó vẫn bảo đảm doanh thu tăng trưởng dù lượng đơn hàng thời điểm cuối năm có giảm so với trước.
Một chính sách khác là hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng để thực hiện dự án phục hồi, mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 theo Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển cho biết, tính đến cuối tháng 12, đơn vị đã hướng dẫn cho khoảng 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa lập hồ sơ vay vốn, đến thời điểm hiện nay, có 7 hồ sơ dự án của 7 doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm đủ điều kiện cho vay.
Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt cho vay với tổng giá trị 140,7 tỷ đồng; đồng thời tiếp nhận 1 dự án và thực hiện công tác thẩm định nhu cầu vốn vay 30 tỷ đồng. Như vậy, ước thực hiện cho vay các dự án theo Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND là 8 dự án với tổng giá trị cho vay khoảng 170,7 tỷ đồng.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung ương và địa phương được các sở, ban, ngành triển khai trong năm 2022. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ
Bước sang năm 2023, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2022 tiếp tục được các cơ quan, đơn vị triển khai để tiếp sức doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20-5-2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng cho vay tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình…
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Đà Nẵng thông tin, doanh số cho vay theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP trên địa bàn thành phố năm 2022 là 260 tỷ đồng, bao gồm các chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhà ở xã hội, cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập…
Năm 2023, Chi nhánh NHCSXH Đà Nẵng tiếp tục triển khai cho vay theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP và hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm và giải ngân trong thời gian 1-1-2022 đến 31-12-2023 theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội.
Trong khi đó, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, ngành ngân hàng thành phố triển khai đồng bộ cho toàn hệ thống với số tiền hỗ trợ tính đến cuối tháng 12-2022 là 1,5 tỷ đồng.
Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai, tuyên truyền chính sách hỗ trợ lãi suất đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn; nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thực tế, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận chính sách thuận lợi, hiệu quả.
Nhìn nhận về các chính sách hỗ trợ của thành phố được ban hành trong thời gian qua, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đánh giá là tương đối kịp thời, nhiều chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp bớt một phần chi phí, có thêm nguồn vốn sản xuất. Bản thân doanh nghiệp của ông Bình đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của thành phố như hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn theo Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố hay gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất....
Đánh giá năm 2023 sẽ là một năm thách thức khi doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng hay lạm phát trên thế giới đã bắt đầu từ quý 4-2022, ông Phạm Bắc Bình kiến nghị, bên cạnh các chính sách đã triển khai và phát huy hiệu quả, vẫn có các chính sách ban hành lâu nhưng triển khai chậm hoặc doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được nên mong muốn thành phố tiếp tục rà soát để sớm đưa vào thực tế, tăng cường các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
MAI QUẾ