UBND thành phố vừa ban hành “Quy chế phối hợp quản lý hoạt động và neo đậu của các tàu kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Theo đó, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp sở hữu tàu dầu và các tổ chức, cá nhân liên quan. Sở Công Thương tổ chức, kiểm tra thẩm định điều kiện kinh doanh của tàu dầu trước khi cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, định kỳ 6 tháng/lần hoặc trong trường hợp xét thấy cần thiết, Sở Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với tàu dầu đang hoạt động; tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của các tàu dầu và thông tin cho các ngành, đơn vị theo định kỳ hằng năm.
Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang quản lý việc neo đậu các tàu dầu trong âu thuyền Thọ Quang. Các tàu dầu neo đậu trong khu vực có trách nhiệm tuân theo hướng dẫn, sắp xếp neo đậu của ban quản lý.
Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa có trách nhiệm quản lý các trường hợp tàu dầu neo đậu bên ngoài âu thuyền Thọ Quang, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của các tàu; cấp phép cho phương tiện ra, vào cảng thuộc đơn vị quản lý; đồng thời, có trách nhiệm xử lý các sự cố va chạm giữa các tàu dầu. Khi có sự cố tràn dầu, chủ tàu dầu chủ động tổ chức triển khai ứng phó theo phương án đã được phê duyệt; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố theo kế hoạch.
Công an thành phố chủ trì triển khai tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả đối với các trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ tàu dầu; tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy theo
quy định.
THIÊN NGUYỆN