2023 được dự báo là năm khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu vì kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm. Dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường.
Công nhân sản xuất tại Công ty Danifoods (quận Sơn Trà). Ảnh: Q.T |
Những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản đứng trước khó khăn khi tình hình lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu; nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường quốc tế giảm mạnh, lượng hàng tồn kho còn nhiều nên các nhà nhập khẩu giảm hoặc dừng các đơn hàng mới trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng bị gián đoạn; tình hình giá xăng dầu tăng cao khiến các tập đoàn đánh bắt cá trên thế giới giảm số tàu đi khai thác trong quý 4-2022; đối với nguồn nguyên liệu trong nước, ngư dân đi khai thác theo mùa vụ, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp; lãi suất tăng… Đó là những lý do khiến nhiều doanh nghiệp bi quan trước tình hình xuất khẩu năm 2023.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết trong năm 2022, số lượng lao động tại công ty giảm từ 4.000 còn 3.000 người. Tuy nhiên, đầu năm nay, công ty tuyển dụng lại một số vị trí việc làm nhằm bảo đảm tiến độ đơn hàng cho đối tác. Dù vậy, sức mua tại hai thị trường chủ lực của công ty là Nhật Bản và Hoa Kỳ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm đơn hàng của ngành thủy sản là do biến động về tỷ giá, nguồn vốn bị thắt chặt. Đồng thời, nền kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm; doanh nghiệp còn chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn. Vì vậy, dự kiến doanh số quý 1-2023 sẽ thấp hơn so với cùng kỳ.
“Chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân đối tác tại thị trường truyền thống, chờ nhịp bật tăng của ngành thủy sản ở quý 2 tới”, ông Lĩnh nói.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa sau dịch bệnh mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Đại diện Công ty D&N Foods (Danifoods) cho hay, khi Trung Quốc mở cửa trở lại các cửa khẩu đường bộ, xuất khẩu thủy sản sẽ rất thuận lợi, rút ngắn được thời gian, chi phí. Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn, khi đất nước này mở cửa, du lịch sẽ phát triển ở Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ… Vì vậy, theo đánh giá, đơn hàng của công ty có khả năng tăng trưởng. Ngoài ra, công ty đang mở rộng thị trường sang các nước Hồi giáo như Malaysia nhằm thiết lập đối tác mới.
Trong khi đó, tại Công ty TNHH Sản xuất- chế biến - kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (chuyên sản xuất sản phẩm dép dưỡng sinh và lót giày với 35% thị phần xuất khẩu), hơn 1 tháng nay, công nhân thường xuyên tăng ca đến 9 giờ tối mỗi ngày để hoàn tất nhiều đơn hàng lớn xuất khẩu sang khu vực Nam Mỹ. Cuối tháng 2 và đầu tháng 3 công ty sẽ xuất 5 container hàng với khối lượng đặt hàng của đối tác tăng gấp 4 lần trước đây.
“Trong quý 3 và 4 năm ngoái, các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ trong nước đã làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu của công ty. Ngoài ra, giá nguyên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20-25%..., nhất là chi phí logistics đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện tại, số lượng đơn đặt hàng lớn khiến chúng tôi khá vất vả nhưng ai nấy đều mừng. Năm 2023, công ty cũng cố gắng tìm kiếm đối tác mới, thị trường mới để có nhiều đơn hàng xuất khẩu, từ đó tạo công việc đều đặn cho người lao động”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc công ty chia sẻ.
Trước khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận và mở rộng thị trường; đồng thời nắm bắt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, là cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các FTA, ngành công thương thường xuyên phối hợp tổ chức hoặc thông báo mời các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham dự các hội nghị, hội thảo do Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tổ chức; thực hiện tuyên truyền thông qua các ấn phẩm do sở và Bộ Công Thương biên soạn (chuyển tiếp tài liệu toàn văn về EVFTA, CPTPP đến các cơ quan, đơn vị liên quan).
“Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố; thông tin tuyên truyền về các FTA đã góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về cơ hội, thách thức, thành tựu của các hiệp định. Tuy nhiên, hoạt động thông tin tuyên truyền về các FTA chưa nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm hơn 90% doanh nghiệp của thành phố). Trong năm 2023, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế với hình thức đa dạng, nội dung phù hợp với đối tượng được tuyên truyền. Mặt khác, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Hạnh thông tin thêm.
QUỲNH TRANG