Động lực phát triển thành phố từ kinh tế biển

.

UBND thành phố ban hành văn bản triển khai thực hiện Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 26-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030”. Đối với thành phố, kinh tế biển vừa tạo động lực và bệ đỡ phát triển lẫn dư địa thu hút nguồn lực đầu tư.

Cảng Đà Nẵng đang hoạt động hiệu quả và đang định hướng dịch chuyển dần thành cảng chuyên dụng, trong đó có dịch vụ cảng phục vụ ngành du lịch biển.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Cảng Đà Nẵng đang hoạt động hiệu quả và đang định hướng dịch chuyển dần thành cảng chuyên dụng, trong đó có dịch vụ cảng phục vụ ngành du lịch biển. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Bám sát định hướng phát triển

Với vị trí địa kinh tế, thành phố Đà Nẵng đã khai thác thành công lợi thế để phát triển du lịch, kinh tế biển được chú trọng đầu tư phát triển trong thời gian qua. Việc đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế biển bắt đầu từ những dự án phát triển đô thị với hàng loạt các cây cầu bắc qua sông Hàn. Tiếp đó là những tuyến đường ven biển, thu hút các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ các bất động sản du lịch, trở thành điểm đến và định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới

Việc lấy biển làm mặt tiền đã mở ra không gian phát triển cho thành phố. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Huy Hòa cho rằng, thành phố sở hữu nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển do có địa kinh tế thuận lợi, hệ thống hạ tầng được quy hoạch và xây dựng tốt, nhất là hạ tầng du lịch biển.

Kinh tế hàng hải của Đà Nẵng, mà trọng tâm là dịch vụ khai thác cảng biển, đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi Cảng Đà Nẵng thay đổi mô hình hoạt động và chuyển hướng kinh doanh sang đẩy mạnh khai thác hàng hóa container. Ngoài ra, ngành khai thác và chế biến thủy hải sản cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố.

Song song với đó, việc phát huy tiềm năng, lợi thế biển trong phát triển du lịch và dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đã tạo sản phẩm du lịch biển có tính đặc thù cao và xây dựng được thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Không những thế, Đà Nẵng đã hình thành một đô thị biển năng động và hiện đại, nơi “tìm đến” của nhà đầu tư bất động sản...

Ngày 28-2-2020, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 18-2-2019 của Thành ủy về phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Đà Nẵng đặt mục tiêu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững và thịnh vượng.

Nguồn lực dồi dào

“Quả đấm thép” cho đầu tư phát triển kinh tế biển của thành phố là dự án đầu tư Bến cảng Liên Chiểu vừa được khởi công vào cuối năm 2022. Đây là dự án trong điểm, động lực có tầm quan trọng bậc nhất hiện nay ở thành phố.

Khi dự án đi vào hoạt động, cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng và miền Trung.

Với vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị và an ninh, quốc phòng, Đà Nẵng trở thành trung tâm của vùng. Trong đó thành phố được định hướng phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm khu vực...

Cụ thể, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ kinh tế biển, cùng với du lịch và công nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột để thành phố phát triển. Dự án cảng Liên Chiểu là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 43-NQ/TW cho sự phát triển của Đà Nẵng.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng biển Đà Nẵng cũng được xác định là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam.

Trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đà Nẵng tiếp tục được xác định trở thành trung tâm nhiều ngành, lĩnh vực của vùng.

Trong đó, nhấn mạnh đến yêu cầu Đà Nẵng sẽ đầu tư, hình thành và phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh; các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu...

Những nghị quyết quan trọng đó cho thấy sự quan tâm của Bộ Chính trị, Trung ương đối với thành phố Đà Nẵng; mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành, lĩnh lực, đặc biệt là kinh tế biển cho Đà Nẵng.

GIA PHÚC

;
;
.
.
.
.
.