Dự án cầu Quảng Đà: Kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

.

Cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên do thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng tại thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và đoạn đường dẫn đầu cầu sẽ kết nối điểm cuối của đường vành đai phía bắc của tỉnh Quảng Nam tại xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn với quốc lộ 14B qua thành phố Đà Nẵng.

Phối cảnh phương án thiết kế cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu đang được lấy ý kiến của tỉnh Quảng Nam và các cơ quan, đơn vị của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phối cảnh phương án thiết kế cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu đang được lấy ý kiến của tỉnh Quảng Nam và các cơ quan, đơn vị của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

274 tỷ đồng xây cầu và đường dẫn đầu cầu

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu để các cơ quan, đơn vị của thành phố có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Dự án này nằm trong Chương trình số 01-CTr/TUQN-TUĐN ngày 1-8-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về hợp tác, phát triển giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Dự án được HĐND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 11-3-2022 với tổng kinh phí đầu tư 274,78 tỷ đồng từ ngân sách thành phố (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam) nhằm kết nối giao thông giữa huyện Hòa Vang và thị xã Điện Bàn; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu với hướng tuyến bắt đầu từ Km31+87 của quốc lộ 14B, bám theo kênh thủy lợi đi về hướng đông qua thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, vượt sông Yên, kết nối với điểm cuối của dự án Đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam tại xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn.

Chiều dài toàn tuyến đường dẫn đầu cầu và cầu Quảng Đà là 1.408m (lý trình từ Km0 đến Km1+408,18 bao gồm cầu Quảng Đà). Trong đó, đoạn đường dẫn lên cầu thuộc địa phận Đà Nẵng có bề rộng mặt đường 34m, gồm 4 làn xe và dải phân cách giữa rộng 9m; cầu Quảng Đà có chiều dài 205m, rộng 22m, gồm 4 làn xe và dải phân cách giữa cầu rộng 2m; đoạn đường còn lại dài khoảng 100m được vuốt nối từ đầu cầu Quảng Đà về dự án Đường vành đai phía bắc của tỉnh Quảng Nam với bề rộng mặt đường 27m, gồm 4 làn xe. Phạm vi tuyến đường dẫn lên cầu và cầu Quảng Đà thuộc địa phận Đà Nẵng (từ Km0 đến Km1+260,73) đã được HĐND thành phố thông qua danh mục thu hồi đất vào cuối năm 2022; riêng phạm vi cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam (đoạn từ Km1+260,73 đến  Km1+408,18) được thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo dự án Đường vành đai phía bắc của tỉnh.

Khu vực quy hoạch xây dựng cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên và đường dẫn đầu cầu nhằm kết nối giao thông giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.H
Khu vực quy hoạch xây dựng cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên và đường dẫn đầu cầu nhằm kết nối giao thông giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.H

Xử lý thoát lũ

Với việc thi công một đoạn đường mới và cầu bắc qua sông Yên ở phía thượng lưu đập dâng An Trạch, người dân quan tâm đến vấn đề thoát lũ của sông Yên cũng như phạm vi bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Khảo sát tại thực địa , cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu cách đập dâng An Trạch và Trạm bơm phòng mặn An Trạch hơn 2,3km về phía thượng lưu, bảo đảm phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định của Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 9-9-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không nhỏ hơn 1,5km về phía thượng lưu.

Về vấn đề thoát lũ của sông Yên, theo người dân thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, do đường dẫn lên cầu bám theo tuyến đường bê-tông dọc kênh thủy lợi từ hồ Đồng Nghệ về đến trạm bơm đặt bên bờ sông Yên hiện trạng với cao trình rất hiếm ngập khi xảy ra lũ lớn, mặt đường bê-tông hiện trạng gần như chưa ngập lũ sông Yên.

Người dân trong thôn không những không lo ngại đường dẫn lên cầu cản trở thoát lũ, mà còn đề nghị các cơ quan chức năng cần mở rộng cống qua đường đang nằm dưới đáy kênh thủy lợi hiện trạng ra gấp đôi trong quá trình thi công đường dẫn để lũ thoát nhanh hơn. “Lũ chưa bao giờ tràn qua tuyến đường bê-tông này nên khi làm đường dẫn lên cầu thì không lo ngại đường cản trở thoát lũ. Người dân đề nghị mở rộng cống hiện trạng ở dưới đáy kênh thủy lợi này lên bề rộng 10m thì sẽ giúp thoát lũ tốt hơn”, ông Nguyễn Lương Bảy (70 tuổi, trú tổ 7, thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) đề nghị.

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng (đơn vị được UBND thành phố giao điều hành dự án), khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu, HĐND thành phố đã lưu ý việc tính toán xử lý thoát nước hợp lý, không để ngập úng cục bộ khu vực đường và cầu đi qua; có giải pháp tận dụng tối đa hệ thống mương thủy lợi hiện trạng để bảo đảm tưới tiêu và tiết kiệm kinh phí đầu tư...

Cùng với việc UBND thành phố có văn bản lấy ý kiến của UBND tỉnh Quảng Nam, vào ngày 16-2-2023, Ban QLDA đã ban hành Công văn số 171/NNPTNT-KH đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở, xác định kinh phí đầu tư xây dựng cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu.

Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Ban QLDA chia sẻ, Đà Nẵng xây cầu Quảng Đà và đoạn ngắn sau mố cầu để vuốt nối với điểm cuối đường vành đai phía bắc của tỉnh Quảng Nam. Sau này, khi hoàn thành thi công và đưa vào vận hành khai thác, Đà Nẵng cũng sẽ quản lý, duy tu, sửa chữa cầu Quảng Đà và đoạn đường dẫn đã xây dựng.

Trước đây, Ban QLDA đã được giao xây dựng các tuyến giao thông kết nối Đà Nẵng với Quảng Nam như: đường ĐT.605, đường  Quảng Nam, cầu Cẩm Lý... Cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu là một công trình giao thông mới mà Ban QLDA xây dựng được giao xây dựng nhằm kết nối giao thông, phục vụ dân sinh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Cách nhập hàng taobao về Việt Nam