Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sau hội nghị toàn quốc về du lịch “Thúc đẩy phục hồi-Tăng tốc phát triển," Chính phủ dự kiến ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch “Thúc đẩy phục hồi-Tăng tốc phát triển” diễn ra sáng nay, ngày 15-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.
Là một trong số các sự kiện lớn nhất năm 2023 của ngành, hội nghị nhằm đánh giá lại kết quả sau một năm mở cửa du lịch, thống nhất nhận thức, hành động để phát triển du lịch trong thời gian tới.
Diện mạo du lịch sau 1 năm “mở cửa”
Tròn một năm Chính phủ chính thức mở cửa các hoạt động du lịch (15-3-2022), ngành du lịch dù được coi là “mũi nhọn” cho chặng đường phục hồi kinh tế của cả nước nhưng kết quả lại không như mong đợi.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận thực tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng. Lý do bởi các doanh nghiệp du lịch vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của Covid-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới chưa chủ động, còn chậm. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch trong nước ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Theo Bộ trưởng Hùng, chính sách visa dù đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các nước cạnh tranh trực tiếp trong khu vực vẫn còn khiêm tốn; sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa; các loại hình sản phẩm du lịch thể thao ngoài trời, trên không, dưới nước chuyên nghiệp chưa có hoặc còn thiếu khung pháp lý cũng là rào cản để Việt Nam có thêm những sản phẩm mới, độc đáo, đa dạng hơn.
“Nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm; hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức,” ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Bước sang năm 2023 và những năm tiếp theo, dự báo du lịch thế giới tiếp tục phục hồi nhưng chưa thể trở về được mức như năm 2019. Do đó, lãnh đạo bộ cho rằng ngành du lịch sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề như thiếu hụt lao động, giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh và nhân công tiếp tục xu hướng tăng...
Theo các chuyên gia, du lịch nội địa thời gian tới tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan chưa phục hồi bình thường, thị trường Nga vẫn bị hạn chế đi lại do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực để thu hút khách du lịch sẽ ngày càng quyết liệt.
Giải pháp giai đoạn mới
Mặc dù 2023 được dự báo là năm nhiều khó khăn, thách thức hơn cho nền kinh tế, nhưng lãnh đạo ngành du lịch vẫn đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt du khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2025, phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm; đóng góp trực tiếp từ 6-8% GDP; tạo ra 5,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 1,8 triệu việc làm trực tiếp…
Để tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định ngành du lịch cần định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hóa, bao gồm các lĩnh vực: du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.
Theo ông Hùng, toàn ngành cần cơ cấu lại thị trường du lịch; thúc đẩy liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững.
Khẳng định vai trò của các địa phương tham gia vào chuỗi giá trị của nền kinh tế xanh, ông Hùng cho rằng cần chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa-thiên nhiên, hệ thống lễ hội-làng nghề, truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.
Huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển” đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới. Huy động sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Ngoài ra, các đơn vị phải tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hóa thị trường, tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu thị trường. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại… nhằm đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ du khách.
Chính phủ cùng đồng hành gỡ khó cho du lịch
Phát biểu chủ trì hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt hàng loạt câu hỏi cho lãnh đạo ngành, lãnh đạo 63 địa phương cũng như các doanh nghiệp tham gia sự kiện ở các đầu cầu trực tuyến: “Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại ‘đi trước về chậm?’ Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?”
Thủ tướng khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc. Thủ tướng gợi ý nên chăng có phong trào chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế-xã hội và du lịch nhanh, bền vững; vấn đề vệ sinh môi trường, huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa… cũng cần tập trung giải quyết.
Thủ tướng cũng cho biết sau hội nghị này Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Vietnam+